Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày Nước Thế giới: Nước thải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước sạch toàn cầu

11:03, 22/03/2017

Ngày 22-3, trong báo cáo quan trọng được công bố nhân Ngày Nước Thế giới, Liên hợp quốc cho rằng tái chế nước thải của thế giới sẽ làm dịu bớt nạn khan hiếm nước sạch toàn cầu, đồng thời còn giúp bảo vệ môi trường.

Ngày 22/3, trong báo cáo quan trọng được công bố nhân Ngày Nước Thế giới, Liên hợp quốc cho rằng tái chế nước thải của thế giới sẽ làm dịu bớt nạn khan hiếm nước sạch toàn cầu, đồng thời còn giúp bảo vệ môi trường.

Người dân tập trung lấy nước quanh miệng giếng khổng lồ ở làng Natwarghad thuộc bang Gujarat, phía tây Ấn Độ
Người dân tập trung lấy nước quanh miệng giếng khổng lồ ở làng Natwarghad thuộc bang Gujarat, phía tây Ấn Độ

Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong hàng thập kỷ qua, con người đang sử dụng nước sạch nhanh hơn mức thiên nhiên có thể cung cấp, kéo theo nạn đói, dịch bệnh, xung đột và làn sóng di cư tại một số khu vực. Đáng chú ý, hiện 2/3 dân số thế giới đang sống trong các khu vực bị thiếu nước ít nhất một tháng/năm và một nửa trong số đó sống tại Trung Quốc và Ấn Độ. Đứng trước hiện tượng đáng báo động trên, vào năm ngoái, trong cuộc khảo sát ý kiến hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các lãnh đạo đều nhất trí cho rằng khủng hoảng nước sẽ là nguy cơ hàng đầu của toàn cầu trong thập kỷ tới.

Cũng theo Liên hợp quốc, những nước giàu xử lý 70% lượng nước thải, các nước có mức thu nhập trên trung bình thì con số này chỉ là 38%, trong khi đó, tại các nước thu nhập thấp, chỉ 8% nước thải công nghiệp và đô thị được xử lý dưới nhiều hình thức. Hàng năm, trên thế giới có trên 800 nghìn người tử vong do nước uống bị nhiễm khuẩn và không vệ sinh tay sạch sẽ. Các bệnh liên quan đến nước cướp đi 3,5 triệu sinh mạng hàng năm tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, con số này lớn hơn tổng số người chết do bệnh HIV/AIDS và tai nạn ô tô cộng lại. Bên cạnh đó, hóa chất và phân bón từ các nhà máy, trang trại đã gây ra nhiều khu vực chết tại các con sông, hồ, vùng ven biển và ô nhiễm mạch nước ngầm, nhất là tại các nước đang phát triển.

Dựa trên xu thế sử dụng nước hiện nay, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc dự báo nhu cầu nước sử dụng cho công nghiệp, năng lượng và một tỉ người dân mới sẽ tăng 50% vào năm 2030. Tình trạng nóng lên toàn cầu đang gây ra nạn hạn hán ngày càng trầm trọng thêm tại nhiều nơi, trong khi đó nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng trong thế kỷ này bất chấp những dự báo lạc quan.

Theo ông Richard Connor, người đứng đầu nhóm tác giả Chương trình Tiếp cận nước sạch thế giới của UNESCO, báo cáo dài 200 trang của Cơ quan Phát triển Nước Thế giới đã đề xuất chiến lược 4 lựa chọn nhằm biến nước thải từ một vấn đề thành một giải pháp. Ngoài việc giảm thiểu ô nhiễm ngay từ đầu, các đề xuất chính sách cần tập trung loại bỏ các chất ô nhiễm từ các đường uống nước thải, tái sử dụng nước và tái sử dụng các phụ phẩm hữu ích. Cũng theo ông Connor, đến nay các nước vẫn tập trung vào cung cấp nước sạch chứ ít quan tâm đến quản lý sau khi nó được sử dụng. Hai khía cạnh này có liên hệ chặt chẽ với nhau.

Về phần mình, ông Guy Ryder, Giám đốc Hội đồng Nước Liên hợp quốc và Giám đốc Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), cho rằng ngoài khả năng có thể tái sử dụng, nước còn là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, chất khoáng và năng lượng và đều có thể tái sử dụng. Theo một nghiên cứu gần đây, hơn 1/5 nhu cầu phốt pho toàn cầu có thể được đáp ứng từ nguồn nước tiểu và phân người. Tại Nhật Bản, nước này đã ban hành đạo luật vào năm 2015, trong đó yêu cầu các công ty vận hành hệ thống thoát nước tái sử dụng nước thải. Đáng chú ý, thành phố Osaka đã sản xuất 6.500 tấn nhiên liệu/năm từ 43 nghìn tấn nước cống để tạo ra điện./.

(Theo TTXVN, AFP)

Tin xem nhiều