Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục đưa ra những tuyên bố về kế hoạch thử tên lửa, Nhật Bản đang tiếp tục các biện pháp nhằm tăng cường năng lực quốc phòng cũng như các liên minh quân sự an ninh Nhật Bản-Hoa Kỳ, Nhật Bản-Hàn Quốc và Nhật Bản-Hoa Kỳ-Hàn Quốc.
Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục đưa ra những tuyên bố về kế hoạch thử tên lửa, Nhật Bản đang tiếp tục các biện pháp nhằm tăng cường năng lực quốc phòng cũng như các liên minh quân sự an ninh Nhật Bản-Hoa Kỳ, Nhật Bản-Hàn Quốc và Nhật Bản-Hoa Kỳ-Hàn Quốc.
Tàu khu trục lớp Kongo Myoko của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. (Nguồn: defenseindustrydaily.com) |
Từ đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã có một loạt các tuyên bố rằng họ đang tiến gần đến việc làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa và có thể phóng loại tên lửa này “vào bất kỳ thời điểm nào, từ bất kỳ địa điểm nào”.
Nhật Bản đang theo dõi sát các thông tin về chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời có kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo BMD của nước này. Như một phần của kế hoạch cải thiện toàn diện về khả năng phản ứng, hệ thống BMD sẽ được tăng cường năng lực bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, nâng cao năng lực sẵn sàng đáp ứng, khả năng tham gia đồng thời và khả năng phản ứng bền vững.
Dự kiến, Nhật Bản sẽ nâng cấp hai tàu khu trục có trang bị hệ thống Aegis, trang bị thêm 2 tàu khu trục khác, đồng thời phát triển các hệ thống tên lửa đánh chặn cải tiến SM-3 Block II-A , Patriot PAC-3 cũng như các hệ thống radar cảnh báo.
Với kế hoạch trên, dự kiến hệ thống phòng thủ của Nhật Bản sẽ gồm 8 tàu khu trục lớp Aegis BMD, 6 nhóm tên lửa phòng thủ trên không cùng hàng chục hệ thống radar và giám sát trên không hiện đại như FPS-3, FPS-5 và FPS-7.
Căn cứ không quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Naha. (Ảnh: T.H/Vietnam+) |
Vào ngày 3/2 vừa qua, Nhật Bản và Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA. Đây là lần đầu tiên tên lửa mới này, do hai nước hợp tác chế tạo, được bắn thử trên biển. Theo giới chức quân sự Mỹ, đây là một bước tiến quan trọng đối với cả hai nước, cho phép hai bên "cùng nâng cao khả năng phòng thủ trước những mối đe dọa ngày càng lớn từ tên lửa đạn đạo."
Theo nhận định của một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản, khó có khả năng Triều Tiên sẽ đóng băng chương trình phát triển phát triển hạt nhân và tên lửa của mình.
Các vụ thử tên lửa và hạt nhân do Triều Tiên tiến hành đã tăng nhanh về số lượng trong thời gian 5 năm qua, đặc biệt chỉ trong 10 tháng năm 2016, đã có tới 2 vụ thử hạt nhân cùng 15 vụ thử tên lửa các loại
Tuy không đe dọa trực tiếp Nhật Bản nhưng Triều Tiên luôn nhấn mạnh các căn cứ quân sự Mỹ, trong đó có các căn cứ đóng tại Nhật Bản, có thể trở thành mục tiêu tấn công. Vì vậy việc nâng cao năng lực của hệ thống phòng thủ cũng như tăng cường liên minh quân sự với Mỹ và Hàn Quốc là việc Nhật Bản đang nỗ lực xúc tiến.
Trong cuộc trao đổi gần đây giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, ngoài việc khẳng định rằng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên không thể được dung thứ, hai bên cũng tuyên bố điều quan trọng là cải thiện sự răn đe và phản ứng năng lực thông qua hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Mỹ, cũng như giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc./.