Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Bonn (Đức) trong hai ngày 16-17/2, được coi là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới, nơi G20 tìm ra hướng tháo gỡ những thách thức to lớn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tiến tới mục tiêu góp phần định hình một thế giới kết nối.
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 9/2016 ở Trung Quốc, thế giới chứng kiến nhiều biến đổi khôn lường, nền kinh tế thế giới cũng vì thế tiếp tục đối mặt với các thách thức cả mới và cũ, khiến tốc độ tăng trưởng chậm chạp, thương mại và đầu tư toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong khi G20 vẫn trong giai đoạn định hình hướng phát triển sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 năm ngoái với việc một nhân vật phản đối quá trình toàn cầu hóa và chủ trương xem xét lại các hiệp định thương mại tự do đa phương lên nắm quyền đã “phủ bóng đen” lên hệ thống kinh tế-tài chính thế giới.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi nhậm chức đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phần nào đã tạo thêm những thách thức mới cho hệ thống thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân túy có xu hướng thắng thế tại nhiều nước, đặc biệt là những nước đang chuẩn bị bước vào các cuộc bầu cử quan trọng ở châu Âu, cũng khiến làn sóng phản đối quá trình toàn cầu hóa lan rộng, đồng thời khiến nhiều quốc gia quay sang những biện pháp bảo hộ thương mại trong nước, vốn bị coi là rào cản đối với động lực tăng trưởng.
Việc nước Anh lựa chọn một kịch bản “Brexit cứng,” rời khỏi khu vực tự do thương mại của Liên minh châu Âu (EU) và giảm quan hệ xuống chỉ còn ở mức các thỏa thuận thương mại đơn thuần, được dự báo sẽ gây thiệt hại đáng kể cho cả nước Anh lẫn EU, 2 thành viên chủ chốt của G20. Ước tính, Brexit sẽ khiến nền kinh tế Anh mất khoảng 81 tỷ USD mỗi năm, trong khi các công ty của EU thiệt hại nhiều hơn các công ty Anh 9,7 tỷ USD mỗi năm.
Kinh tế thế giới 2017 cũng được nhận định là tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay sự biến động của các thị trường tài chính sau sự kiện Brexit sẽ làm xáo trộn chính sách tiền tệ và tỷ giá của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, nợ công tăng cao ở một số quốc gia tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nợ, bất ổn chính trị hay các cuộc xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi kéo dài khiến hàng triệu người phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, sẽ kéo theo những hệ quả tiêu cực tới quá trình toàn cầu hóa đầu tư và thương mại toàn cầu.
Các chuyên gia đánh giá kinh tế thế giới năm 2017 dù phục hồi khả quan hơn năm ngoái, ước đạt 3,4%, nhưng sự phục hồi còn chậm và không đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế. Thương mại và dòng vốn đầu tư toàn cầu cũng tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế mới nổi đang chậm lại, trong khi sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển vẫn chưa thực sự vững chắc.
Tình hình trên đã khiến Đức, hiện giữ chức chủ tịch G20, chọn chủ đề xuyên suốt chương trình nghị sự của các hội nghị năm nay là “Định hình một thế giới kết nối”, trong đó ưu tiên 3 trọng tâm gồm: tạo dựng nền tảng tự cường, tăng cường tính bền vững và tăng cường tính trách nhiệm.
Mục tiêu hàng đầu vẫn là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải, chống dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội. G20 cũng ưu tiên thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, hỗ trợ các nước châu Phi, hợp tác xử lý các thách thức di cư quốc tế, lao động- việc làm, bình đẳng giới…
Năm nay, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và các hội nghị liên quan với tư cách nước chủ nhà "Năm APEC 2017" (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương).
Đây cũng là lần đầu tiên nước chủ nhà "Năm APEC" không phải là thành viên G20 được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam, đồng thời cho thấy những đóng góp chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong các công việc của khu vực và thế giới. Điều đó cũng cho thấy các thành viên G20 coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò của APEC trong cấu trúc quản trị khu vực và toàn cầu.
Chủ đề “Năm APEC 2017” của Việt Nam là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” có nhiều điểm tương đồng với trọng tâm nghị sự của G20, trong đó đặc biệt cùng hướng đến thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư; khuyến khích đổi mới-sáng tạo; hợp tác chống biến đổi khí hậu… Đây được coi là cơ sở và cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế trong bối cảnh mới.
Với quy mô chiếm 2/3 dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế, G20 đã cho thấy khả năng và tầm ảnh hưởng lớn trong việc hoạch định và dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Cùng với sự kết nối và phối hợp với các thể chế quốc tế khác, G20 đang tiếp tục đóng góp tích cực vào việc tái lập và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng./.
(TTXVN/VIETNAM+)