Báo Đồng Nai điện tử
En

Hòa đàm Syria ở Astana: Lập trường khác nhau giữa Chính phủ Syria và phe đối lập

11:01, 23/01/2017

Ngày 23-1, cuộc hòa đàm về tình hình tại Syria đã chính thức khai mạc ở thủ đô Astana của Kazakhstan vào lúc khoảng 15g00 (theo giờ Việt Nam).

* Tập trung vào việc củng cố lệnh ngừng bắn

Ngày 23-1, cuộc hòa đàm về tình hình tại Syria đã chính thức khai mạc ở thủ đô Astana của Kazakhstan vào lúc khoảng 15g00 (theo giờ Việt Nam).

Đại diện của Chính phủ Syria và phe đối lập cùng đại diện của các nước trung gian tại cuộc hòa đàm ở thủ đô Astana. Ảnh: AFP/TTXVN
Đại diện của Chính phủ Syria và phe đối lập cùng đại diện của các nước trung gian tại cuộc hòa đàm ở thủ đô Astana. Ảnh: AFP/TTXVN

Các phái đoàn đại diện cho Chính phủ Syria và phe đối lập đã có mặt tại cuộc họp kín quan trọng này. Phóng viên hãng AFP có mặt tại hiện trường sự kiện này cho biết các đại diện của chính quyền Syria và nhóm đối lập đã ngồi chung bàn tròn khi Ngoại trưởng Kazakhstan Kairat Abdrakhmanov phát biểu khai mạc cuộc đàm phán. Đây là điều khác biệt vì trong các cuộc đàm phán hòa bình Syria trước đây tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện chính phủ và phe đối lập Syria chưa bao giờ ngồi chung bàn đàm phán. Mặc dù vậy, phe đối lập Syria trước đó cho biết lực lượng này sẽ không đối thoại trực tiếp với chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad trong phiên thảo luận đầu tiên của cuộc hòa đàm.

Phái đoàn phe đối lập Syria cũng tuyên bố sẽ chỉ thảo luận về các biện pháp cứu vãn một lệnh ngừng bắn mong manh do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, chứ không tham gia bất cứ cuộc thảo luận chính trị nào. Trong khi đó, chính quyền Damascus muốn thúc đẩy một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc xung đột, đồng thời cho rằng các tay súng đối lập cần hạ vũ khí để được hưởng khoan hồng.

 Đại diện thường trực của Syria tại Liên hợp quốc Bashar Jaafari, người dẫn đầu phái đoàn Syria tham gia sự kiện khẳng định mục tiêu của phái đoàn Syria đến Astana là để đạt tiến bộ, chứ không nhằm phá vỡ tiến trình hòa đàm. Trong khi đó, phe đối lập Syria bày tỏ hoài nghi về hội nghị song cũng tuyên bố sẽ không rời bỏ bàn đàm phán.

Hiện đã có tiết lộ về nội dung Tuyên bố chung của cuộc hòa đàm, theo đó, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ hợp tác chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm phiến quân Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Văn kiện dự kiến sẽ được các nước tham gia ký kết nêu rõ các bên lên kế hoạch thành lập một cơ chế ba bên để kiểm soát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn tại Syria, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc nối lại đàm phán theo Nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Ba bên cũng có trách nhiệm ủng hộ chính quyền Syria và phe đối lập đến cuộc gặp ở Geneva (Thụy Sĩ), được tổ chức dưới sự bảo trợ của LHQ vào ngày 8-2 tới, đồng thời hỗ trợ cả các phe nhóm vũ trang đối lập muốn tham gia cuộc đàm phán này.

Tham gia cuộc đàm phán này có 7 bên, ngoài Chính phủ Syria và phe đối lập, còn có đại diện các nước trung gian là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Đặc phái viên LHQ về Syria Mistura và Đại sứ Mỹ tại Kazakhstan George Krol với tư cách là quan sát viên. Cuộc gặp này cũng đánh dấu sự khởi đầu nỗ lực mới nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria.

(Theo Reuters, AFP)

Tin xem nhiều