Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách của ông Trump có thể khiến giới đầu tư ngại giữ đồng USD

10:01, 04/01/2017

Các chuyên gia tiền tệ tại Anh cho rằng những chính sách khó dự báo của Chính phủ Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump sẽ khiến cho giới đầu tư ngần ngại nắm giữ USD. Trong khi đó, giới đầu tư trên toàn cầu lại đang tích cực mua đồng euro, trong bối cảnh Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, còn Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.

Các chuyên gia tiền tệ tại Anh cho rằng những chính sách khó dự báo của Chính phủ Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump sẽ khiến cho giới đầu tư ngần ngại nắm giữ USD. Trong khi đó, giới đầu tư trên toàn cầu lại đang tích cực mua đồng euro, trong bối cảnh Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, còn Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất. 
Ảnh minh họa. (Nguồn: geopolitics.co)
Ảnh minh họa. (Nguồn: geopolitics.co)
Theo tờ Thời báo Tài chính Anh (Financial Times), Trung Đông là khu vực điển hình về việc tích cực mua đồng euro. Bất chấp sự đi lên gần đây của giá dầu thô, các nước trong khu vực vẫn có mức thâm hụt tài chính khá lớn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thâm hụt tài chính của Saudi Arabia sẽ tương đương 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2017. 

Để khỏa lấp mức thâm hụt nói trên, các quốc gia vùng Vịnh đang phải tích cực bán dự trữ ngoại hối. Trên thực tế, nếu đầu tư vào các tài sản tài chính, các nước Trung Đông có xu hướng chọn mua các tài sản tài chính của Mỹ, song nếu để tiêu dùng, họ thường chọn mua hàng hóa và dịch vụ của châu Âu. Do vậy, khi phải bán các tài sản đầu tư để mua hàng hóa, các nước Trung Đông thường bán USD và mua euro. 

Không chỉ Trung Đông, các khu vực khác trên thế giới cũng cùng chung xu hướng mua đồng euro, đơn giản vì họ có phần chuộng hàng hóa châu Âu hơn so với hàng hóa của Mỹ. Điều này được thể hiện rõ trên tài khoản vãng lãi của các quốc gia. Trung Quốc và các nước châu Á thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhập khẩu từ châu Âu nhiều hơn so với từ Mỹ. Tại châu Phi, lượng hàng hóa nhập từ châu Âu cũng áp đảo so với từ Mỹ. Chỉ có khu vực Mỹ Latinh là ưu tiên hàng hóa sản xuất tại Mỹ, còn các khu vực khác có xu hướng mua euro để thanh toán cho lượng hàng hóa và dịch vụ của các nhãn hiệu châu Âu mà họ yêu thích. 

Trong năm 2016, về cơ bản Mỹ đã tạo mọi điều kiện để nhận được dòng vốn từ phần còn lại của thế giới. Mặt bằng lãi suất ở Mỹ cao hơn so với mức lãi suất âm tại khu vực sử dụng đồng euro. Lãi suất trái phiếu của Mỹ cũng cao hơn từ trái phiếu của châu Âu. Thị trường chứng khoán Mỹ năm 2016 tăng 15%, trong khi các thị trường chứng khoán châu Âu tăng trưởng âm. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, đồng USD tăng không quá 4% so với euro trong năm vừa qua. 

Theo các chuyên gia tiền tệ, khi thế giới trong trạng thái "chờ - xem" ông Donald Trump sẽ triển khai các chính sách mới ra sao, tạm thời các nhà đầu tư sẽ không mua vào USD. Động thái này có thể sẽ khiến cho giá đồng USD đi xuống. Vì thế, điều mà Chính phủ Mỹ cần làm là gia tăng sức hấp dẫn của đồng USD trong mắt của giới tài chính quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia tiền tệ cho rằng có vẻ như lãi suất tăng lên cũng chưa đủ để bù đắp cho những rủi ro tiềm tàng liên quan đến những chính sách mà chính phủ mới ở Mỹ sẽ thực thi./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều