Theo Đài RFI, ngày 6/10, giới chuyên gia và báo chí Pháp đưa ra nhận định, những phát ngôn "thô lỗ" của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hay các quyết định được coi là "hồ đồ" của ông như chủ trương mềm mỏng với Trung Quốc, thực chất đều được cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo Đài RFI, ngày 6/10, giới chuyên gia và báo chí Pháp đưa ra nhận định, những phát ngôn "thô lỗ" của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hay các quyết định được coi là "hồ đồ" của ông như chủ trương mềm mỏng với Trung Quốc, thực chất đều được cân nhắc kỹ lưỡng.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo Giáo sư David Camroux, một chuyên gia về Đông Nam Á của Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế CERI- Pháp, Phương Tây chỉ tập trung vào chiến dịch bài trừ ma túy của ông Duterte đã làm 3000 người thiệt mạng, mà quên là tháng 8/2016, Manila và nhóm phiến quân Mặt trận Dân chủ Quốc gia (NDF) đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, mở ra viễn cảnh vãn hồi hòa bình cho Philippines. Chính quyền Duterte chìa bàn tay thân thiện với tổ chức Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf - tổ chức đã gieo rắc kinh hoàng ở miền Nam.
Về mặt đối ngoại, trong 3 tháng cầm quyền, ông Duterte đã tỏ ra mềm mỏng với láng giềng Trung Quốc trong cuộc đọ sức ở Biển Đông. Người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Benigno Aquino đã nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. Ngược lại, ông Duterte "đặt liên minh Mỹ-Philippines trước thử thách."
Nhà báo Michel de Grandi của tờ Les Echos nhận thấy một lần nữa Tổng thống Rodrigo Duterte lại áp dụng chính sách "nhất cử lưỡng tiện:" Vừa xoa dịu Bắc Kinh, vừa thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ - không chỉ với Philippines mà còn cả với khu vực Đông Nam Á. Đằng sau tính toán đó là việc Manila không muốn bị trói buộc vào một nguồn cung cấp vũ khí duy nhất là Mỹ. Tổng thống Duterte không che giấu ý đồ mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.
Tóm lại, chiến lược của ông Duterte gồm ba bước: tái lập trật tự "ở bên trong," từng bước tìm đến con đường hòa giải với các lực lượng nổi dậy và tìm một thế cân bằng cho Philippines giữa các siêu cường./.