Ngày 7/10, tiến trình tan băng và cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Myanmar đã ghi nhận một bước đi lịch sử mới sau khi Tổng thống Barack Obama đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt duy trì gần 2 thập kỷ qua nhằm vào quốc gia Đông Nam Á này.
Ngày 7/10, tiến trình tan băng và cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Myanmar đã ghi nhận một bước đi lịch sử mới sau khi Tổng thống Barack Obama đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt duy trì gần 2 thập kỷ qua nhằm vào quốc gia Đông Nam Á này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thảo luận với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. (Nguồn: Reuters) |
Quyết định của Tổng thống Obama được đưa ra một tháng sau cuộc gặp lịch sử giữa ông và Cố vấn Nhà nước Myanmar bà Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng.
Tổng thống Obama đã ký sắc lệnh hành chính hủy bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp, một hình thức trừng phạt của Washington đối với Myanmar, vốn được chính quyền Tổng thống Bill Clinton áp đặt ngày 20/5/1997 với lý do các chính sách của chính quyền quân sự trước đây ở Naypidaw là mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống George Bush năm 2007 tiếp tục ban hành một sắc lệnh hành chính siết chặt biện pháp trừng phạt này. Trong lá thư gửi Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Obama nêu rõ: “Tôi nhận thấy rằng tình trạng gây đe dọa cho an ninh quốc gia của Mỹ đã thay đổi đáng kể nhờ những tiến triển vững chắc ở Myanmar nhằm thúc đẩy dân chủ, trong đó có cuộc bầu cử lịch sử tháng 11/2015.”
Tổng thống Obama nhấn mạnh quyết định dỡ bỏ trừng phạt và đưa Myanmar trở lại danh sách các nước được hưởng qui chế Hệ thống Ưu đãi Phổ quát (GSP), một cơ chế miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ các nước nghèo và đang phát triển “sẽ khích lệ các doanh nghiệp và thể chế phi lợi nhuận của Mỹ tăng cường đầu tư tại Myanmar, ”đồng thời bày tỏ hy vọng Naypidaw sẽ ngày càng trở thành một đối tác dân chủ và thịnh vượng của Mỹ trong khu vực.
Trong một thông cáo cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ cho hay quyết định trên của Nhà Trắng đồng nghĩa với việc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của bộ này cũng bãi bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Myanmar.
Một số nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã bày tỏ ý hoài nghi tính bền vững trong những đổi thay thời gian qua ở Myanmar, đồng thời đệ trình một dự luật nhằm tìm cách tạo điều kiện cho các nhà lập pháp Mỹ duy trì tiếng nói trong quá trình nước này dỡ bỏ trừng phạt Naypidaw.
Giới chức Nhà Trắng cũng cho biết thêm việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ không áp dụng đối với lĩnh vực viện trợ quân sự, với lý do quân đội Myanmar tiếp tục can dự vào đời sống chính trị ở nước này./.