Ngày 20/9, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trước toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Ngày 20/9, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trước toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ ở Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: Reuters) |
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trước các nguyên thủ quốc gia và ngoại trưởng đến từ 193 quốc gia, ông Obama đã cảnh báo rằng những lực lượng toàn cầu hóa đang bộc lộ "những chủ trương sai lầm sâu sắc" trên toàn cầu đồng thời kêu gọi cần có sự "điều chỉnh thỏa đáng" để đảm bảo các quốc gia và người dân không bị lùi về một thế giới còn bị chia rẽ sâu sắc hơn nữa.
Ông Obama đã nêu bật một nghịch lý là trong khi thế giới nói chung trở nên an toàn hơn và thịnh vượng hơn thì cùng lúc nhiều quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng, chủ nghĩa khủng bố và trật tự cơ bản bị đảo lộn tại Trung Đông. Công việc quản lý ngày càng trở nên khó khăn vì người dân mất lòng tin vào các thể chế, trong khi căng thẳng giữa các quốc gia thường tuột khỏi tầm kiểm soát một cách nhanh chóng.
Ông Obama cũng tận dụng bài phát biểu cuối cùng trước Đại hội đồng Liên hợp quốc để nói về những thành tựu mà chủ trương đối ngoại của ông đã đem lại cho thế giới trong 8 năm qua.
Ông đặc biệt nhấn mạnh đến nền tảng của chủ trương đối ngoại "kiểu Obama," đó là các cuộc xung đột lớn nhất được giải quyết hiệu quả nhất khi các quốc gia hợp tác thay vì xử lý một cách riêng rẽ.
Sự thành công của chủ trương này được thể hiện rõ qua việc Mỹ thiết lập lại quan hệ với Cuba và Myanmar cũng như những tiến triển trong hợp tác toàn cầu nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ông cũng cho rằng một số thách thức của thế giới bắt nguồn từ những thay đổi sâu sắc mà công nghệ tạo ra cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng nhiều giữa các quốc gia.
Trong bài phát biểu, ông Barack Obama cũng trình bày quan điểm của Washington trước một số vấn đề nóng của thế giới. Về vấn đề Biển Đông, ông bày tỏ quan ngại rằng viễn cảnh đạt được một giải pháp hòa bình cho các tranh tranh chấp tại đây đang ngày càng xa vời do những tranh cãi xung quanh các bãi đá và rạn san hô.
Về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Obama kêu gọi Palestine chấm dứt các hành vi kích động bạo lực và hối thúc Iseael thừa nhận thực tế rằn họ không thể chiếm đóng và định cư vĩnh viễn trên đất của người Palestine.
Về vấn đề Syria, ông Obama khẳng định ngoại giao là con đường duy nhất để chấm dứt xung đột đã kéo dài 5 năm qua tại quốc gia này.
Về cuộc khủng hoảng người tị nạn, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ cho người tị nạn. Theo ông, các quốc gia cần phải nỗ lực hơn nữa để mở rộng trái tim tiếp nhận những con người đang rất cần có nơi trú ngụ./.
(TTXVN/VIETNAM+)