Ngay trong ngày khai mạc Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, Mỹ, tờ thời báo The Washington với số báo đưa tin về sự kiện đặc biệt trên đã cho đăng bài phân tích trách nhiệm của Trung Quốc trong việc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế vừa được công bố hôm 12/7 vừa qua đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế tại châu Á sẽ là phép thử cho Tổng thống Mỹ kế nhiệm ông Obama.
Hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng Hillary Clinton và Donald Trump. (Nguồn: ABC) |
Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên các thực thể tại Biển Đông hòng tạo ra các quyền lãnh thổ tuy nhiên điều này vi phạm luật pháp quốc tế.
Cả 5 thẩm phán của Tòa trọng tài đều nhất trí rằng dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, các tuyên bố của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với hầu hết Biển Đông là phi pháp, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi tiến hành các hoạt động gây nguy hiểm cho tàu cá các các nước và đã tiến nhiều hoạt động hủy hoại môi trường sinh thái biển.
Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế cũng là cơ sở để Mỹ thực hiện trách nhiệm trong việc ngăn chặn các hoạt động hiếu chiến vẫn đang diễn ra của Trung Quốc. Vì Mỹ biết rằng Trung Quốc đã và đang thách thức trật tự quốc tế được Mỹ thiết lập từ hơn 70 năm qua và việc tái cam kết, tôn trọng quyền tự do đường thủy và đường không tại Biển Đông là điều vô cùng quan trọng.
Việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động cưỡng ép ở khắp nơi tại Biển Đông cho thấy Trung Quốc có dã tâm phá vỡ các quy định của luật pháp quốc tế. Trên thực tế, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự hóa tại các đảo, đá ở các vùng biển có tranh chấp điển hình như thử đường băng trên đá Chữ Thập, triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ trên đảo Phú Lâm.
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được thông qua năm 1982 là cơ sở để quản lý các đại dương. 162 quốc gia trong đó có Trung Quốc đã tham gia ký kết. Tuy nhiên Mỹ vẫn chưa tham gia ký kết.
Theo Công ước, các nước ven biển sẽ có khu vực lãnh hải rộng 12 hải lý và khu vực đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở và được thực thi các quyền chủ quyền biển đối với các thực thể được coi là “đá” và các bãi chìm hoặc nửa chìm nửa nổi. Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo trên các thực thể tại Biển Đông với âm mưu tạo ra các quyền chủ quyền quanh các thực thể, điều này vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế.
Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012 và dường như đang có ý định sẽ xây dựng thành đảo nhân tạo tại đây. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với gần 90% Biển Đông, trong đó có 7 thực thể tại Trường Sa mà nước này đã đơn phương xây dựng thành các đảo nhân tạo.
Các chuyên gia luật pháp quốc tế đã nhanh chóng tiếp cận vấn đề pháp lý hóc búa này. Bất chấp việc tòa đã đưa ra lập luận về việc họ có thẩm quyền xem xét vụ kiện, Trung Quốc vẫn công khai tuyên bố rằng Tòa không đủ thẩm quyền thụ lý vụ kiện.
Mặc dù Tòa thiếu các cơ chế để buộc các bên phải thực thi các nội dung phán quyết nhưng rõ ràng phán quyết đã đưa ra cơ hội để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình.
Ngay sau khi Tòa ra phán quyết, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain và thượng nghị sĩ Dan Sullivan đã đưa ra tuyên bố chung khuyến khích các bên tranh chấp khác, trong đó có Việt Nam, áp dụng biện pháp pháp lý tương tự để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông thông qua Tòa trọng tài và rằng “Chính sách của Mỹ là phản đối các hành động đơn phương của các bên tranh chấp nhằm phá vỡ nguyên trạng tại Biển Đông thông qua việc sử dụng các hoạt động cưỡng bức, đe dọa, các tuyên bố đơn phương hoặc sức mạnh quân sự...”.
Cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới sẽ tạo cơ hội cho ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump lấy lại niềm tin của các quốc gia trong khu vực vào Mỹ, nơi Mỹ đã thể hiện sự hiện diện về an ninh từ Thế chiến thứ 2.
Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa cùng với ứng viên đại diện không chỉ nên kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế mà còn nên đưa ra tuyên bố tăng cường các hoạt động của lực lượng hải quân Mỹ nhằm thực thi các “hoạt động tuần tra tự do” hàng hải và hàng không.
Là bộ phận lãnh thổ do Mỹ chuyển giao lại cho Philippine, nếu bãi cạn Scarborough được xem xét nằm trong Hiệp định bảo bảo vệ của Mỹ, Mỹ sẽ không có trách nhiệm dung quân sự để bảo vệ không chỉ lãnh thổ Philippine mà cả chủ quyền các đảo theo quy định.
Điều quan trọng hơn đối với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ đó là nên bỏ qua tư tưởng đảng phái chính trị để tập trung vào lợi ích quốc gia. Bước đi đầu tiên sau phán quyết Mỹ nên làm là ký tham gia UNCLOS.
Bất chấp các nỗ lực của chính quyền tổng thống Bush và chính quyền tổng thống Obama cũng sự hậu thuẫn của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, giới quân sự, Thượng viện Mỹ vẫn chưa ký thông qua UNCLOS.
Việc tuyên bố tham gia UNCLOS sẽ giúp Mỹ có được sự tự tin và tín nhiệm trong lời nói. Đảng Cộng hòa cần đảm bảo thực thi các hiệp ước quân sự đã ký với các đối tác ở châu Á.
Nếu ký tham gia UNCLOS, Mỹ sẽ có cơ sở vững chắc hơn trong việc thực thi các hoạt động tuần tra tự do và không trái với các chương trình quan trọng do Mỹ khởi xướng như Sáng kiến an ninh phổ biến.
Việc ký UNCLOS cũng cho phép Mỹ có chỗ dựa pháp lý để kiện bất kỳ bên tuyên bố nào ra các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, tránh được khả năng đối đầu với các lực lượng hải quân, tàu cá bán quân sự của Trung Quốc xung quanh các đảo tại Trường Sa có tranh chấp.
Hơn thế nữa, UNCLOS cũng tạo kênh sự hợp tác chính thức giữa Mỹ với các quốc gia khác, bởi hầu hết các quốc gia đồng minh, hàng xóm và bạn bè của Mỹ đều đã tham gia công ước.
Đối với ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa, câu châm ngôn rất đơn giản là: Mỹ yêu cầu tối đa quyền tự do cho các tàu hải quân và thương mại đi lại ngoài khơi các nước mà không bị bất kỳ sự can thiệp nào.
Bước đi đầu tiên của Mỹ sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết đối với vụ kiện của Philippines đối với đường chín đoạn của Trung Quốc nên là ký tham gia UNCLOS
Phán quyết có thể sẽ khuyến khích ASEAN, trong đó có các thành viên như Việt Nam tiếp bước Philippines kiện Trung Quốc ra tòa.
Tuy nhiên, các nước cần tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế khi tiến hành các biện pháp pháp lý, có vậy phán quyết mới có thể tạo được áp lực buộc các bên tranh chấp thực thi.
Sẽ có rất nhiều lợi ích đối với ứng viên Đảng Cộng hòa và các thành viên Đảng Cộng hòa giữ trọng trách cao tại Quốc hội nếu UCLOS được thông qua. Trước hết, Mỹ sẽ có cơ sở thuyết phục để thực hiện các quyền tự do hàng hải, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiếp cận của các tàu thương mại, quân sự, máy bay và hệ thống cáp quang dưới đáy biển.
Việc ký UNCLOS cũng giúp Mỹ giành lại vị trí chiến lược hợp pháp trại Thái Bình Dương và thành công trong việc biến lời nói thành hành động.
UNCLOS cũng tạo cho Mỹ sức mạnh và uy tín để thúc đẩy các biện pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp dựa trên cơ sở luật pháp. Việc ký UNCLOS còn tạo cho Mỹ diễn đàn đối thoại hiệu quả với ASEAN nhằm lên án việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của tòa.
Việc đảm bảo sự ổn định dựa trên quy định của luật pháp là điều cần thiết để đối phó với các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo. Tuyên bố thông qua UNCLOS cũng sẽ giúp Mỹ giành được tự tin và sự tin cậy trong lời nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng coi vụ kiện là “một dấu mốc quan trọng” vì nó quyết định trật tự mà các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương mong muốn cho khu vực. Nhấn mạnh về quan điểm của Mỹ đối với tầm quan trọng của phán quyết, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter đã không ngừng nhấn mạnh Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết của tòa.
Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực, Washington đã tuyên bố về sự hiện diện quân sự thường xuyên tại 5 căn cứ quân sự tại Philippines và khuyến khích các hoạt động tuần tra chung của hải quân trên Biển Đông.
Việc lãnh đạo Đảng Cộng hòa tái đặt trọng tâm vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực về cam kết đối với nền dân chủ, sự tôn trọng luật pháp đồng thời làm giảm căng thẳng./.