Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi ngày 17/7 nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được biết đến là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), mà nước này đạt được với các cường quốc thế giới vào tháng 7 năm ngoái, là "thỏa thuận cuối cùng" và Tehran sẽ tuân thủ thỏa thuận quốc tế này, song sẽ không có bất kỳ thương lượng nào khác trong trường hợp JCPOA bị các cường quốc vi phạm.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi ngày 17/7 nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được biết đến là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), mà nước này đạt được với các cường quốc thế giới vào tháng 7 năm ngoái, là "thỏa thuận cuối cùng" và Tehran sẽ tuân thủ thỏa thuận quốc tế này, song sẽ không có bất kỳ thương lượng nào khác trong trường hợp JCPOA bị các cường quốc vi phạm.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi trong cuộc họp báo sau cuộc gặp phái đoàn đại diện Nhóm P5+1 tại Vienna ngày 22/4. (Nguồn: Press TV/TTXVN) |
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tehran, ông Araqchi cho biết Iran có thể sẽ khôi phục các hoạt động hạt nhân như trước thời điểm thỏa thuận trên chưa được các bên ký kết, nếu các cường quốc thế giới vi phạm các điều khoản của thỏa thuận.
Nhà ngoại giao Iran cũng nêu rõ Chính phủ Mỹ cần tuân thủ các cam kết bất chấp những động thái gần đây của Quốc hội Mỹ. Ông Araqchi nhấn mạnh: "Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm thực thi JCPOA cũng như cần phải ngăn chặn bất kỳ hành động nào dẫn tới việc vi phạm thỏa thuận lịch sử này."
Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử tại thủ đô Vienna của Áo ngày 14/7/2015. Ngày 20/7/2015, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết, theo đó các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran được bãi bỏ vào ngày 16/1 vừa qua.
Tuy nhiên, ngày 14/7 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua hai dự luật cản trở thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1.
Hai dự luật này gồm một gói biện pháp trừng phạt Iran và biện pháp ngăn cản Iran tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ, trong đó có việc sử dụng đồng USD. Trước đó, ngày 13/7, Hạ viện Mỹ cũng thông qua dự luật cấm chính quyền của Tổng thống Barack Obama mua thêm nước nặng, thành tố chủ chốt trong một số lò phản ứng hạt nhân, từ Iran.
Nhà đàm phán hạt nhân cấp cao của Araqchi cũng cho rằng việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế là nhân tố quan trọng đối với Iran nhưng đây không phải là yêu cầu duy nhất của quốc gia Trung Đông này. Theo quan chức này, "yêu cầu then chốt" của Iran trong các cuộc đàm phán hạt nhân là được công nhận quyền phát triển và sở hữu công nghệ hạt nhân mà Tehran đã đạt được.
Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực vào giữa tháng 1/2016, Iran đã đạt được một số thành tựu trong phát triển kinh tế. Hoạt động của các lĩnh vực năng lượng, vận tải, công nghiệp và thương mại đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, ông Araqchi cho rằng vẫn còn một số hạn chế đối với lĩnh vực tài chính và ngân hàng.