Báo Đồng Nai điện tử
En

ASEAN cần đồng thuận về bảo vệ an ninh môi trường Biển Đông

03:07, 20/07/2016

Ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM49) và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 21-26/7 tại Vientiane, Lào, trang tin Geopoliticalmonitor chuyên phân tích, bình luận về các vấn đề chính trị, quân sự đã đăng bài phân tích cho rằng trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vừa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với đường lưỡi bò Trung Quốc tại Biển Đông, ASEAN cần đạt được sự đồng thuận về vấn đề an ninh môi trường tại Biển Đông.

Ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM49) và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 21-26/7 tại Vientiane, Lào, trang tin Geopoliticalmonitor chuyên phân tích, bình luận về các vấn đề chính trị, quân sự đã đăng bài phân tích cho rằng trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vừa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với đường lưỡi bò Trung Quốc tại Biển Đông, ASEAN cần đạt được sự đồng thuận về vấn đề an ninh môi trường tại Biển Đông. 
Các trưởng đoàn tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 2/2016. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Các trưởng đoàn tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 2/2016. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bài báo cho rằng đúng như dự đoán của giới học giả và các nhà hoạch định chính sách, Philippines đã giành được chiến thắng pháp lý mang tính bước ngoặt trong vụ kiện Trung Quốc về yêu sách "đường chín đoạn" tại Biển Đông.

Năm thẩm phán của Tòa Trọng tài đã đồng lòng nhất trí đưa ra quyết định thể hiện rõ trong tài liệu dài 501 trang, giáng những đòn mạnh vào các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Đòn nặng nhất là việc Tòa Trọng tài đưa ra kết luận rằng Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong cái gọi là “đường chín đoạn."

Quyết định đúng thời điểm của tòa đã tạo thêm động lực cho các tranh luận sôi nổi tại các phiên thảo luận trong khuôn khổ hội nghị thường niên lần thứ 6 về Biển Đông diễn ra vào ngày 12/7 tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington DC, Mỹ. Tại đây, các diễn giả đã sôi nổi tham luận về các vấn đề nóng tại Biển Đông như các hoạt động quân sự hóa, xây dựng năng lực, các thách thức pháp lý... diễn ra trong thời gian vừa qua.

Học giả Daniel J. Kritenbrink, giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề ASEAN tại Ủy ban an ninh quốc gia Mỹ cho rằng Washington nhận thức được việc Trung Quốc đã thách thức trật tự quốc tế do Mỹ thiết lập từ hơn 70 năm qua và tầm quan trọng của việc tôn trọng các cam kết của Mỹ đối với tự do hàng hải và đường không tại Biển Đông. 

Các nhà quan sát cũng đã dự liệu được rằng Trung Quốc sẽ phản đối phán quyết của tòa, tuy nhiên nhiều câu hỏi được đặt ra rằng Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo và rằng ASEAN cần phản ứng như thế nào. Điều này sẽ được làm rõ trong dịp diễn ra AMM49 và các hội nghị liên quan.

Phán quyết của Tòa cung cấp cho AMM49 và các hội nghị liên quan cơ sở để thảo luận các biện pháp giải quyết xung đột. Rõ ràng cả Mỹ và ASEAN vẫn chưa hết nghi ngờ về các luận điệu tuyên truyền và các lời hứa của Trung Quốc đồng thời hiểu rõ các vấn đề an ninh của Trung Quốc, trong đó có vấn đề an ninh lương thực. 

Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á cho rằng Trung Quốc liên tục tuyên bố không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài nhưng họ đã rất vất vả vận động kể từ khi Manila kiện Trung Quốc ra tòa với hy vọng Philippines sẽ từ bỏ vụ kiện. Trung Quốc sẽ mất uy tín nếu bị xem là coi thường pháp luật quốc tế, nhất là trong bối cảnh nước này đang cố gắng xây dựng hình ảnh là “cường quốc mới nổi có trách nhiệm và sẵn sàng tham gia quản trị toàn cầu."

Mặc dù được thực hiện cuối cùng nhưng phiên thảo luận về môi trường tại CSIS hôm 12/7 đã thu hút được sự chú ý đặc biệt khi thảo luận về các mối đe dọa môi trường như sự suy giảm số lượng các loài, nơi trú ẩn, nguồn thức ăn của các sinh vật biển; hoạt động hủy diệt san hô; biến đổi khí hậu; mất đa dạng sinh học… 

Rõ ràng, an ninh lương thực và vấn đề tái sinh các nguồn thủy sản đang bị đe dọa nghiêm trọng và sẽ sớm tác động tới đời sồng người dân các nước trong khu vực. Cách đánh bắt cá tận diệt, sử dụng các đội tàu đánh cá thương mại lớn... đã gây ra sự suy giảm các loài thủy sản. 

Chương trình môi trường của Liên hợp quốc đã khẳng định rằng khai thác thủy sản tại Biển Đông chiếm khoảng 1/10 sản lượng khai thác trên thế giới, trong đó Trung Quốc được dự báo sẽ là nước tiêu thụ khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ thủy sản toàn cầu vào năm 2030. 

Để đảm bảo an ninh lương thực đồng thời bảo vệ an toàn cho các tuyến đường biển quan trọng đi qua Biển Đông, cần có biện pháp quản lý đánh bắt cá và ngăn chặn các hoạt động hủy diệt san hô. 

Giáo sư sinh thái biển của Trường Đại học Miami McManus đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về san hô nổi tiếng thế giới khuyến cáo rằng đã đến lúc cần hành động để bảo vệ môi trường sinh thái biển, nếu không sẽ đe dọa tới hàng trăm triệu loài sinh vật biển. Ông cũng đã đưa ra ý tưởng được nhiều người quan tâm, là xây dựng công viên hòa bình, giữ nguyên trạng Biển Đông để bảo vệ môi trường và tránh xung đột. 

Các cuộc họp của ASEAN tại Lào diễn ra trong tuần này sẽ là cơ hội để ASEAN đoàn kết đưa ra tuyên bố liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài, cam kết xây dựng COC, tôn trọng luật pháp quốc tế và áp dụng các biện pháp hòa bình giải quyết xung đột và bảo vệ môi trường biển. 

Các nhà khoa học biển từ các nước trên thế giới, trong đó có ASEAN đều cho rằng do sự phát triển của dân số và kinh tế, vấn đề an ninh lương thực sẽ hiện hữu nếu các mối đe dọa môi trường kể trên không được giải quyết. 

Hiện các loài sinh vật tại các khu vực tranh chấp đã suy giảm từ 460 loài xuống còn 261 loài, trong đó nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như các loài rùa xanh, trai khổng lồ…

Biển Đông còn đóng vai trò quan trọng giúp ASEAN kết nối với các nền kinh tế toàn cầu, chứa đựng các tuyến đường biển huyết mạch. Đây cũng là nơi diễn ra các vụ va chạm tàu cá nguy hiểm..., do đó các nhà lãnh đạo ASEAN nên nhân dịp này thảo luận các biện pháp giúp làm giảm căng thẳng và các vụ va chạm tàu cá. 

Nhiều nhà quan sát cho rằng thật nực cười khi ASEAN dễ dàng đạt được các đồng thuận trong tuyên bố chung liên quan đến các vụ tấn công khủng bố tại Istanbul hay Dhaka trong khi không thể đạt được sự đồng thuận trong việc đưa ra tuyên bố liên quan đến phán quyết của tòa trọng tài.
Hoạt động xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). (Nguồn: Reuters/US Navy)
Hoạt động xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). (Nguồn: Reuters/US Navy)
Để có thể tìm được mẫu số chung, ASEAN nên tăng cường hợp tác khoa học giữa các nhà khoa học biển trong ASEAN; tạo thuận lợi cho các nhà khoa học tự do điều tra khoa học về các vấn đề liên quan đến các đá, đảo nhân tạo; tăng cường các hoạt động chung giữa các hội nghề cá ASEAN; đổi mới hoạt động của Viện hòa bình hòa giải ASEAN (APIR); thiết lập ủy ban khoa học biển khu vực để giải quyết các vấn đề suy giảm môi trường; thúc đẩy đối thoại nhằm xây dựng công viên hòa bình biển; xây dựng ủy ban khoa học nghiên cứu mô hình hiệp định Nam cực để áp dụng tại Biển Đông. 

ASEAN cũng cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của các nguồn thủy hải sản đối với vấn đề an ninh lương thực trong khu vực và rằng Trung Quốc hiện là nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, do đó Trung Quốc cần có trách nhiệm cùng ASEAN thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản bền vững.

Để bảo vệ các nguồn lợi thủy sản còn lại tại Biển Đông, ASEAN, nhất là các nước như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, cần đoàn kết đưa ra đề xuất xây dựng công viên hòa bình quốc tế hoặc ít nhất là xây dựng các khu vực bảo tồn biển tại Biển Đông. Đây nên là bước đi đầu tiên để xây dựng lòng tin và tránh xung đột./.
(VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều