Báo Đồng Nai điện tử
En

Vấn đề Brexit: Anh lâm vào khủng hoảng chính trị trầm trọng

10:06, 27/06/2016

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh liên quan tới quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang có dấu hiệu trầm trọng hơn trong bối cảnh các đảng phái tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau và các nhà lãnh đạo EU đang nỗ lực thúc ép London đẩy nhanh thủ tục "chia tay."

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh liên quan tới quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang có dấu hiệu trầm trọng hơn trong bối cảnh các đảng phái tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau và các nhà lãnh đạo EU đang nỗ lực thúc ép London đẩy nhanh thủ tục “chia tay.”
Thủ tướng Anh David Cameron. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Thủ tướng Anh David Cameron. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Hai ngày sau khi Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức do phe ủng hộ Anh ở lại EU không giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua, ngày 26/6, lãnh đạo Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn - người phản đối Brexit (Anh rời EU) - cũng đang phải đối mặt với áp lực phải rời bỏ vị trí này.

Tuy nhiên, ông Corbyn khẳng định sẽ không từ chức, bất chấp tới nay đã có 11 thành viên Công đảng tuyên bố phản đối ông và rời khỏi nội các bóng tối (tức nội các đối lập) của ông.

Lãnh đạo Công đảng Corbyn được cho là đã thất bại trong việc thuyết phục người dân Anh ở lại EU khi có tới 1/3 cử tri của Công đảng bỏ phiếu ủng hộ Brexit.

Một số thành viên nói rằng họ nghi ngờ ông Corbyn có khả năng dẫn dắt Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới. Tuy nhiên, ông Corbyn cũng nhấn mạnh sẽ không phụ sự tin tưởng của các thành viên Công đảng khi bầu chọn ông, đồng thời cam kết sẽ bắt tay vào việc tái thiết đảng này kể từ ngày hôm nay 27/6.

Cũng trong ngày 26/6, các cường quốc thuộc EU kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về thủ tục Brexit do lo ngại “hiệu ứng domino” đòi rời khỏi liên minh này đối với các nước thành viên có tư tưởng hoài nghi châu Âu có thể đe dọa tới tính thống nhất của EU.

Về phần mình, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cảnh báo việc EU rơi vào một giai đoạn “lấp lửng” thậm chí còn có thể dẫn tới tình trạng bất ổn an ninh lớn hơn và đe dọa tới thị trường lao động.

Theo ông Schulz, Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 28/6, trong đó có sự tham dự của cả Thủ tướng Cameron, sẽ là thời điểm thích hợp để bắt đầu tiến trình đàm phán về vấn đề Brexit. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cho rằng các cuộc đàm phán về quyết định ra đi của nước này chỉ nên được tiến hành sau khi người kế nhiệm mới của ông được bầu ra, dự kiến vào khoảng tháng 10 tới.

Theo kế hoạch, trong ngày 27/6, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ có cuộc họp với các thành viên nội các, đồng thời Quốc hội nước này cũng sẽ nhóm họp trở lại 4 ngày sau “cú sốc” đa phần người dân Anh ủng hộ Brexit khiến thị trường tài chính toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy.

Cùng ngày 27/6, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cũng sẽ có bài phát biểu nhằm bình ổn lại các thị trường.

Về phần mình Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ Brussels của Bỉ và London để tham dự các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng này, trong khi giới chức lãnh đạo Đức, Pháp và Italy sẽ nhóm họp tại Berlin để bàn về vấn đề liên quan./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều