Ngày 27/6, Ba Lan đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tiến hành cải cách toàn diện, cho rằng điều này sẽ giúp châu Âu trở thành "một siêu cường" thông qua tạo dựng một liên minh các quốc gia dưới sự lãnh đạo của một chủ tịch kiêm nhiệm đứng đầu một lực lượng quân đội hùng mạnh.
Ngày 27/6, Ba Lan đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tiến hành cải cách toàn diện, cho rằng điều này sẽ giúp châu Âu trở thành "một siêu cường" thông qua tạo dựng một liên minh các quốc gia dưới sự lãnh đạo của một chủ tịch kiêm nhiệm đứng đầu một lực lượng quân đội hùng mạnh.
Lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý Ba Lan Jaroslaw Kaczynski. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong một tuyên bố, lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý (PIS) cầm quyền Ba Lan Jaroslaw Kaczynski nhấn mạnh sự cấp thiết phải "duy trì một châu Âu của các quốc gia thành viên" sau khi kịch bản Brexit (Anh rời EU) xảy ra, cho rằng "một liên minh sẽ là điều tốt nhất."
Theo ông, cần phải bầu ra một Chủ tịch EU thông qua một "tiến trình đàm phán khu vực" và người này cần có "các quyền lực rõ ràng và mạnh mẽ để chỉ đạo chính sách đối ngoại của liên minh trong quan hệ với các cường quốc như Nga, Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, trong khi vẫn bảo đảm chính sách đối ngoại của các nước thành viên."
Chính khách này cũng cho rằng EU nên trở thành một liên minh có tiềm lực quân sự lớn, "không phải để đối trọng mà cùng hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)."
Quan chức này cũng đề xuất người giữ chức Chủ tịch EU cũng sẽ kiêm nhiệm chức Tổng Tư lệnh của một lực lượng quân đội hùng mạnh "với hai mặt trận lớn - phía Đông và phía Nam."
Bên cạnh đó, lãnh đạo PIS cũng mô tả việc Anh ra khỏi EU là một điều "rất xấu," đồng thời nhấn mạnh Ba Lan hy vọng Anh sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần hai về vấn đề đi hay ở lại EU.
Ông Kaczynski cũng cho rằng EU cần "thay đổi một cách triệt để" để có thể khiến người dân Anh lựa chọn ở lại liên minh này.
Trong khi đó, cùng ngày, các Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Pháp Jean-Marc Ayrault đã kêu gọi thực hiện những bước đi tham vọng nhằm củng cố EU sau cú sốc Anh bỏ phiếu rời khối này.
Trong một bức thư bày tỏ quan điểm chung, hai Ngoại trưởng Steinmeier và Ayrault viết: “Chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi tiếp theo hướng tới một liên minh chính trị ở châu Âu và luôn chào đón các nước khác trong khu vực cùng tham gia nỗ lực này."
Các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước thành viên sáng lập chủ chốt và cũng là hai nền kinh tế lớn nhất trong EU còn cho rằng “Đức và Pháp có trách nhiệm tăng cường sự đoàn kết và liên kết bên trong EU."
Tuy nhiên, hai ông Steinmeier và Ayrault cũng phát tín hiệu sẵn sàng chấp nhận một liên minh gồm các nước thành viên có trình độ phát triển khác nhau.
Hai quan chức đã đề xuất hợp tác chặt chẽ hơn trong 3 lĩnh vực chính sách then chốt gồm an ninh trong và ngoài khối, cuộc khủng hoảng người di cư và tị nạn, hợp tác tài chính và kinh tế.
Đức và Pháp vẫn tin tưởng EU là một khuôn khổ duy nhất trong lịch sử và không thể thiếu đối với nỗ lực theo đuổi sự tự do, thịnh vượng và an ninh ở châu Âu, cũng như thúc đẩy các mối quan hệ hòa bình giữa người dân trong liên minh và sự ổn định trên thế giới.
Việc Anh trở thành quốc gia thành viên đầu tiên quyết định rời khỏi EU đã khiến tâm lý lo ngại lan rộng và làm "bốc hơi" hơn 2.000 tỷ USD trên các thị trường chứng khoán toàn cầu ngày 24/6.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ bắt đầu hội nghị thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) vào ngày 28/6 nhằm vạch kế hoạch sắp tới, trong đó có việc thúc đẩy nhanh chóng tiến trình Anh rời khỏi EU giữa lúc những lo ngại rằng Brexit sẽ tạo ra hiệu ứng domino tại các quốc gia thành viên có thái độ hoài nghi về EU.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng sẽ đối mặt với áp lực lớn phải triển khai ngay lập tức tiến trình rời khỏi EU trong vòng 2 năm./.
(TTXVN/VIETNAM+)