Báo Đồng Nai điện tử
En

G7: Nhất trí về các biện pháp tài chính cho tăng trưởng toàn cầu

09:05, 26/05/2016

Các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 26/5 đã nhất trí thực hiện linh động các biện pháp tài chính, đồng thời đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm kích thích tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và các thị trường đang nổi khác.

Các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 26/5 đã nhất trí thực hiện linh động các biện pháp tài chính, đồng thời đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm kích thích tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và các thị trường đang nổi khác.
Các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). (Nguồn: Reuters)
Các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). (Nguồn: Reuters)
Sau các cuộc hội đàm về kinh tế trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G7 kéo dài 2 ngày tại tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản, một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết các nhà lãnh đạo “đã chia sẻ quan điểm rằng G7 sẽ không chần chừ đưa ra các gói kích thích tài chính nhằm thúc đẩy nhu cầu và đối phó với vấn đề người tỵ nạn, thảm họa và các vấn đề khác mà mỗi quốc gia G7 đối mặt."

Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết quy mô và thời gian tung ra các gói kích thích tài chính “cần được xem xét tùy theo tình hình của mỗi nước.”

Theo ông Hiroshige Seko, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí rằng việc các nền kinh tế đang nổi tăng trưởng chậm đã làm gia tăng tình trạng cam go của nền kinh tế toàn cầu, và G7 phải đi đầu trong việc đưa kinh tế toàn cầu đạt tăng trưởng bền vững.

Dự kiến, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 sẽ đưa ra cách ứng phó thống nhất trước cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Syria, tình hình Ukraine, chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cũng như hoạt động trốn thuế từ vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama"...

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này diễn ra trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng trong nền kinh tế thế giới vốn đang đương đầu với chủ nghĩa khủng bố, tăng trưởng kinh tế giảm tại Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi khác, tác động của giá dầu giảm đối với các nước sản xuất dầu mỏ, cũng như khả năng Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới./. 
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều