Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sỹ, ngày 20/4, chính phủ nước này đã phong tỏa khối hàng hóa phục vụ mục đích quân sự trị giá khoảng 19 triệu franc Thụy Sĩ (CHF, tương đương 13,7 triệu euro) xuất khẩu sang Trung Đông vì nghi ngờ "tiếp thêm lửa" cho cuộc chiến tại Yemen.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sỹ, ngày 20/4, chính phủ nước này đã phong tỏa khối hàng hóa phục vụ mục đích quân sự trị giá khoảng 19 triệu franc Thụy Sĩ (CHF, tương đương 13,7 triệu euro) xuất khẩu sang Trung Đông vì nghi ngờ “tiếp thêm lửa” cho cuộc chiến tại Yemen.
Lực lượng ủng hộ phiến quân Hồi giáo Houthi ở Sanaa ngày 17/4. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trước đó, Thụy Sĩ cũng đã bác yêu cầu của một số công ty được gửi vũ khí hạng nhẹ, đạn dược (gồm 25.000 quả lựu đạn và hơn 8.000 quả đạn pháo) tới Trung Đông.
Ngoài ra, chính quyền Bern còn tạm dừng việc gửi một xe thiết giáp bộ binh tới Qatar để kiểm tra, cũng như nhiều loại đạn, tên lửa tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Tuy nhiên, một khối lượng hàng hóa quân sự trị giá 185 triệu CHF - đa số là các cấu kiện của các hệ thống phòng không gửi Ai Cập, Bahrain, Saudi Arabia và UAE - đã được chính phủ Thụy Sĩ thông qua do số hàng hóa này không được triển khai tại Yemen.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa vào tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam hồi tháng 3/2015 và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi phải lưu vong tại Saudi Arabia.
Lực lượng liên minh khu vực chống Houthi do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích từ tháng 3/2015 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7/2015.
Các lệnh ngừng bắn cũng như các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc làm trung gian trước đây nhằm chấm dứt xung đột tại Yemen đã thất bại.
Phía chính phủ yêu cầu lực lượng Houthi tuân thủ nghị quyết của Liên hợp quốc trong khi lực lượng Houthi đòi đàm phán về tương lai chính trị của đất nước.
Theo Liên hợp quốc, hơn 6.300 người thiệt mạng tại Yemen kể từ tháng 3/2015, trong đó hơn một nửa là dân thường.
Hiện có tới 14 triệu người Yemen đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp và các nỗ lực thúc đẩy hoạt động nhân đạo tại đây ước tính cần tới 1,8 tỷ USD trong năm 2016.
Trước tình trạng xung đột tại Yemen, Thụy Sĩ đang tăng cường giám sát việc xuất khẩu vũ khí tới các quốc gia có liên quan tới cuộc chiến tại quốc gia này.