Năm 2015 là một năm "đen tối" đối với nước Pháp khi khởi đầu bằng vụ thảm sát ngày 7/1 ngay giữa trung tâm Paris nhằm vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và hàng loạt vụ tấn công sau đó, làm 17 người thiệt mạng, 22 người bị thương, và kết thúc năm bằng thảm kịch đẫm máu diễn ra ngày 13/11 gần như đồng thời tại 6 địa điểm ở thủ đô Paris và vùng ngoại ô làm 130 người chết, 350 người bị thương.
Cứu hộ chuyển người bị thương trong vụ khủng bố ở nhà hát Bataclan, Paris ngày 13/11. (Ảnh: AFP) |
Không phải ngẫu nhiên mà nước Pháp liên tục trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử khủng bố. Việc Pháp tham gia tích cực vào cuộc chiến chống các phần tử "thánh chiến", trong đó có IS, là một phần nguyên nhân.
Hơn 10.000 binh sỹ Pháp đang được triển khai ở nước ngoài, trong đó có 3.000 binh sỹ tại Tây Phi, 2.000 binh sỹ tại Trung Phi, 3.200 binh sỹ tại Iraq. Đặc biệt, Pháp là "cánh tay phải" của Mỹ trong các cuộc không kích nhằm vào IS tại Syria và Iraq.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn từ các vấn đề xã hội, sắc tộc và tôn giáo cũng là "mồi lửa" kích động khủng bố ở Pháp. Dù IS không đại diện cho Hồi giáo, nhưng trong xã hội Pháp không phải ai cũng phân biệt rạch ròi điều đó.
Một số lượng không ít người Pháp khá cực đoan và luôn có thái độ kỳ thị, phân biệt đối với những người có nguồn gốc Arab. Trong khi đó, làn sóng người di cư như cơn “đại hồng thủy” đến từ Syria và Iraq đã tạo cơ hội cho các phần tử khủng bố trà trộn vào nước Pháp.
Dù vẫn chưa có con số chính thức về số lượng phần tử "thánh chiến" ở Pháp, nhưng theo một số nhà phân tích, con số này có thể lên tới vài nghìn người, trong đó 10% luôn sẵn sàng hành động.
Sau loạt vụ tấn công liên hoàn ngày 13/11, một bầu không khí nặng nề bao trùm Paris và toàn bộ nước Pháp. Tâm lý hoảng loạn và lo sợ là điều khó tránh khỏi. Tổng thống Pháp François Hollande đã có những tuyên bố cứng rắn, khẳng định quyết tâm tiến hành "cuộc chiến không khoan nhượng" chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan.
Người thân xúc động đòn một số người thoát ra được nhà hát Bataclan, đêm 13/11. (Nguồn: Reuters) |
Giới phân tích cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến giới chức Pháp không thể ngăn chặn hay dự cảm về loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris. Đó là lực lượng an ninh quá mỏng, chủ quan và thiếu hợp tác hiệu quả với tình báo Mỹ.
Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Pháp hiện nay là rà soát lại hệ thống pháp luật để từng bước ngăn chặn đà hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố nước ngoài, vốn đang đào tạo những công dân từ khắp nơi trên thế giới.
Đặc biệt, Paris phải theo dõi chặt chẽ những công dân Pháp có tư tưởng Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài khi về nước. Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve, tại thời điểm hiện nay có 571 người Pháp tham gia tổ chức khủng bố ở Iraq và Syria và 246 người đã trở lại Pháp, trong số này có 138 đối tượng đã bị truy tố, bị bỏ tù, bị đặt dưới sự giám sát của cơ quan tư pháp.
Sau vụ khủng bố tháng 1, chính phủ Pháp đã chấp nhận tăng ngân sách cho quốc phòng và an ninh mặc dù ngân sách Pháp liên tục bị bội chi trong những năm qua.
Một mặt, Pháp tăng cường an ninh nội địa, mặt khác tiến hành không kích các mục tiêu của IS tại Syria và Iraq nhằm loại bỏ tận gốc tổ chức khủng bố tàn bạo này. Tổng thống Hollande đã tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng lên thêm gần 4 tỷ euro trong vòng 4 năm tới.
Ngoài ra, lực lượng an ninh nội địa cũng được tăng cường thêm 7.000 binh sỹ để tiến hành tuần tra thường xuyên tại các khu vực nhạy cảm. Sau loạt vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris tối 13/11, Tổng thống Hollande đã quyết định bổ sung "vài trăm triệu euro" cho các biện pháp an ninh, đồng thời tuyển dụng thêm 5.000 cảnh sát và hiến binh, 2.500 nhân viên trong lĩnh vực tư pháp và 1.000 người trong ngành hải quan trong các năm 2016-2017.
Ngoài ra, Tổng thống Hollande cũng hủy quyết định giải ngũ 9.200 quân nhân dự kiến diễn ra trong giai đoạn 2017-2019. Ông cho rằng trong bối cảnh an ninh quốc gia bị đe dọa, vấn đề an ninh phải được ưu tiên hơn việc cân đối ngân sách.
Người Pháp luôn tự hào về những giá trị nhân văn cao cả đạt được trong cuộc Cách mạng 1789 với khẩu hiệu "Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Đây cũng là “kim chỉ nam” cho suy nghĩ và hành động của rất nhiều người Pháp.
Họ tin vào sự hiện hữu của những điều tốt đẹp và lòng nhân ái trong cuộc đời. Họ mở rộng vòng tay đón người di cư vì lý do chiến tranh và xung đột sắc tộc. Chính vì vậy, Pháp là nước có cộng đồng Hồi giáo đông nhất châu Âu với khoảng từ 3,9 đến 4,1 triệu người.
Trước sự gia tăng của làn sóng chống đạo Hồi, nhiều nhà lãnh đạo Pháp đã lên tiếng kêu gọi không nên nhầm lẫn giữa đạo Hồi và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhấn mạnh sự đoàn kết quốc gia và tinh thần hòa hợp dân tộc, lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tư tưởng bài ngoại.
Tuy nhiên, những tuyên bố đó dù mạnh mẽ cũng không thể xua tan được hoàn toàn tâm lý chống người Hồi giáo. Xã hội Pháp bị chia rẽ vì sự nghi kỵ giữa các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo.
Thực tế cho thấy, chỉ vài giờ sau vụ khủng bố đẫm máu tại tòa soạn báo Charlie Hebdo đã có ít nhất ba vụ tấn công vào nơi thờ phụng của người Hồi giáo tại Pháp. Vào lễ Giáng sinh của người Thiên Chúa giáo ngày 25/12 vừa qua, tại thành phố Ajaccio thuộc đảo Corse đã xảy ra vụ một nhà nguyện Hồi giáo bị đập phá, nhiều cuốn kinh Koran bị đốt cháy. Các vụ việc như vậy diễn ra ngày một nhiều tại Pháp.
Câu chuyện về người nhập cư hoặc có nguồn gốc là người nhập cư luôn là chủ đề chi phối xã hội Pháp. Cho đến những ngày cuối cùng của năm 2015, trên các diễn đàn chính thức, giới chức Pháp vẫn còn tranh cãi về dự luật mở rộng diện có thể bị tước quốc tịch (với người mang hai quốc tịch) để đối phó với mối đe dọa khủng bố.
Một số người đề cao giá trị cốt lõi của nhân quyền, trong khi Chính phủ Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, yêu cầu tước quốc tịch với những kẻ bị kết án vì tội khủng bố.
Binh sỹ Pháp tuần tra tại Tháp Eiffel ở Paris sau các vụ tấn công, ngày 14/11. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Với những gì đã trải nghiệm, một bộ phận người Pháp đã tin vào cách giải thích của đảng FN. Điều này lý giải sự trỗi dậy của FN tại cuộc bầu cử cấp vùng vừa qua khi đảng này nhận được số phiếu ủng hộ cao kỷ lục.
Nước Pháp đang ở trong một vòng xoáy: khủng bố gieo rắc nỗi sợ hãi và sự hoài nghi; bạo lực gieo mầm cho sự phân biệt và kỳ thị; bạo lực cũng dẫn đến hành động bạo lực khi những người quá khích ở cả hai phía có các hành động trả đũa; sự phân biệt và kỳ thị dẫn đến tình trạng cực đoan hóa một bộ phận thanh niên…
Đây là vòng luẩn quẩn mà nước Pháp chưa tìm được lối thoát. Nỗi đau chưa nguôi và tâm trạng hoảng loạn, lo lắng vẫn còn đó, nhưng người Pháp khẳng định họ sẽ vượt qua sự sợ hãi, vượt qua nỗi đau và đồng tâm trong cuộc chiến chống khủng bố./.
(TTXVN/VIETNAM+)