Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, khoảng 90% dòng thuế quan giữa các nước thành viên sẽ giảm về 0% và 10% còn lại cũng sẽ về 0% vào năm 2018, doanh nghiệp Myanmar sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường ASEAN - một thị trường rộng lớn với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 2.700 tỷ USD và dự báo tăng lên 4.700 tỷ USD vào năm 2020.
Một nhà máy sản xuất gạch tại thành phố Mandalay, phía bắc Myanmar. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, Myanmar cũng đứng trước không ít thách thức, đặc biệt khi nền kinh tế nước này mới chỉ bắt đầu phát triển sau nhiều thập kỷ bị cô lập.
Việc bắt tay ngay vào quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu là một thách thức lớn với chính phủ và người dân Myanmar.
Ở đất nước khoảng 55 triệu dân này vẫn chưa có nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, thậm chí chưa có hệ thống điện toàn quốc, bảo hiểm và dịch vụ tài chính quốc tế cơ bản vừa mới bắt đầu. Tình trạng nghèo đói vẫn tập trung ở khu vực nông thôn - nơi người dân sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Myanmar đang trong tâm trạng bất an bởi khi AEC tạo ra một thị trường chung, xóa bỏ rào cản thuế quan đối với hàng hóa, dịch vụ, nguồn lao động có tay nghề được tự do di chuyển giữa 10 nước thành viên thì hàng hóa của Myanmar sẽ phải bước vào một cuộc cạnh tranh không cân sức với dòng hàng từ các nước phát triển hơn trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia.
Các chuyên gia cho rằng Myanmar là một trong những quốc gia thành viên chưa có đủ cơ sở hạ tầng để hưởng lợi từ AEC. Cơ sở hạ tầng yếu kém, nạn tham nhũng và lực lượng lao động có tay nghề thấp sẽ là những rào cản đối với môi trường kinh doanh và đầu tư tại Myanmar.
Theo Liên đoàn các phòng công thương Myanmar (UMFCCI), quốc gia này sẽ chỉ có thể tham gia một cách đầy đủ vào AEC vào năm 2018. Các ngành công nghiệp địa phương cần phải được củng cố để ứng phó hiệu quả với những thách thức từ dòng chảy tự do của thương mại và lao động.
Quyết tâm nắm bắt những cơ hội mà AEC mang lại, Chính phủ Myanmar đã và đang thực hiện các chính sách để khắc phục những yếu kém còn tồn tại.
Myanmar đang xây dựng bộ luật cạnh tranh mới giúp đảm bảo một thị trường cạnh tranh công bằng, minh bạch và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua chống độc quyền.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, chính phủ đang tiến hành hàng loạt chương trình đào tạo để có giấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế.
Ví dụ, từ năm 2010, ngành cá Myanmar đã mời chuyên gia châu Âu tới hướng dẫn nông dân thử nghiệm dư lượng hóa chất trong sản phẩm.
Myanmar có kế hoạch áp dụng các tiêu chuẩn của EU trong việc kiểm tra các sản phẩm thủy sản để đảm bảo rằng các sản phẩm này đạt chất lượng quốc tế.
Nay Pyi Taw đã thành lập Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC) vào năm 1994 nhằm thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả. Đây là cơ quan làm nhiệm vụ phê duyệt các đề xuất đầu tư nước ngoài. Trong những năm qua, UMFCCI đã tổ chức các buổi kết nối kinh doanh với các đại diện từ Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Myanmar cũng đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, viễn thông, cụ thể đang đầu tư triển khai các mạng cáp quang với mục tiêu đến năm 2016, tất cả các thành phố chính sẽ có mạng Internet và phủ sóng Internet trên toàn quốc vào năm 2030. Chính phủ nước này còn thành lập khu thương mại biên giới ở tỉnh Mae Hong Song (Mây Hong Xông) giáp biên giới Thái Lan để thúc đẩy thương mại song phương.
Từ các bước đi mạnh mẽ trên, Myanmar đã đón nhận nhiều kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ quan tâm tới kinh doanh hoặc đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và năng lượng (Trung Quốc); xây dựng cảng biển, dầu khí, thủy điện, ôtô (Ấn Độ); logistic, sản xuất xe, dệt may, nhiên liệu và dầu nhờn, chăn nuôi, nông nghiệp (Malaysia); mỹ phẩm, sơn, thực phẩm và đồ uống (Philippines); vận chuyển, nông lâm nghiệp, dược phẩm, máy tính, điện tử, khách sạn và du lịch, hệ thống ngân hàng, sản xuất, khai thác khoáng sản như vàng, bạc, kẽm và nickel (Hàn Quốc); thực phẩm, may mặc, nông nghiệp như cung cấp phân bón, hạt giống và công nghệ, các ngành công nghiệp nặng như thép và ximăng, cũng như các ngành công nghiệp năng lượng (Thái Lan); thép, năng lượng, bất động sản, lâm nghiệp và khai thác mỏ (Việt Nam) cũng như cơ sở hạ tầng ngân hàng (Trung Quốc, Việt Nam)./.
(TTXVN/VIETNAM+)