Báo Đồng Nai điện tử
En

Cộng đồng ASEAN - Biểu tượng của đoàn kết, hòa bình, phát triển

03:12, 31/12/2015

Năm 2015 đã khép lại với nhiều sự kiện và mối lo về chủ nghĩa khủng bố gia tăng, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, Trung Đông và châu Phi đầy bất ổn hay sự đối đầu giữa Nga và phương Tây.

Năm 2015 đã khép lại với nhiều sự kiện và mối lo về chủ nghĩa khủng bố gia tăng, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, Trung Đông và châu Phi đầy bất ổn hay sự đối đầu giữa Nga và phương Tây.
(Nguồn: linkedin.com)
(Nguồn: linkedin.com)
Trong bức tranh thế giới đó, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào ngày cuối cùng của năm càng trở nên có ý nghĩa bởi lẽ đó là biểu tượng của sự đoàn kết, hòa bình và phát triển.

“Đây là ngày mà tất cả chúng ta đã chờ đợi, ngày mà chúng ta có thể tự hào.” Đó là lời của Thủ tướng Malaysia Najib Razak khi 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đặt bút ký Tuyên bố chính thức về thành lập Cộng đồng ASEAN. Sự kiện này được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử, đánh dấu những nỗ lực không ngừng trong quá trình hợp tác, mở rộng và phát triển của ASEAN kể từ khi thành lập năm 1967 đến nay.

Cộng đồng ASEAN là một cộng đồng phát triển trên cả ba trụ cột gồm chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội. Ba trụ cột này được thể hiện bằng ba chữ P: Hòa bình (Peace), Thịnh vượng (Prosperity) và Con người (People). Điều này cho thấy ASEAN có cách tiếp cận toàn diện cho sự hợp tác, hội nhập và phát triển.

Trong ba trụ cột đó, Cộng đồng chính trị-an ninh đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp đảm bảo cho khu vực một môi trường hòa bình, ổn định, không có chiến tranh để tập trung phát triển kinh tế. Và sự phát triển kinh tế cũng tạo điều kiện để an ninh được đảm bảo.

Với đặc trưng là nền kinh tế trẻ và năng động nhất thế giới, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung, khuyến khích chuyển dịch lao động, vốn và thương mại. Về văn hóa-xã hội, Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, hay nói cách khác, mục tiêu xây dựng một cộng đồng hướng tới người dân.

Trong quá trình hội nhập, các nước thành viên sẽ nỗ lực đồng bộ hóa chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, xác định hệ thống tiêu chuẩn hành nghề, tăng cường sự kết nối về cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc. Nhờ quá trình xây dựng cộng đồng chung, người dân ASEAN sẽ được sống trong môi trường chính sách lành mạnh, kinh tế năng động, tự do và văn hóa-xã hội tiến bộ.

Khi ASEAN được thành lập năm 1967, Ngoại trưởng đầu tiên của Singapore, ông S. Rajaratnam, đã tuyên bố: “Nếu chúng ta không thống nhất thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt từng người một.” Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự thống nhất, đoàn kết trong ASEAN.

Trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới chìm trong xung đột, bạo lực và khủng hoảng chính trị, kinh tế-xã hội, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN càng trở nên đặc biệt khi tất cả các quốc gia thành viên đã tìm được tiếng nói đồng thuận, mang lại một cơ hội lớn cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á.

Mục đích mà ASEAN luôn hướng tới là giữ cho môi trường khu vực hòa bình, ổn định, thịnh vượng, tránh các xung đột quân sự. Sau khi chính thức được thành lập vào ngày 31/12, Cộng đồng ASEAN sẽ trở thành một chủ thể quan trọng, đóng vai trò chủ chốt hơn trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, giải quyết những căng thẳng, tranh chấp thông qua con đường ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino chỉ ra rằng sự thịnh vượng chung đòi hỏi sự ổn định, an ninh, an toàn của khu vực, trong đó bao gồm cả tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Thực tế này đòi hòi Cộng đồng ASEAN phải đoàn kết, thống nhất, thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột vì lợi ích chung của khu vực.

Cộng đồng ASEAN mới chỉ là một dấu mốc quan trọng của một chặng đường kéo dài nhiều thập kỷ chứ chưa phải là thành quả cuối cùng. Nói cách khác, sự ra mắt của Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12 chưa phải là điểm đến cuối cùng mà chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới. ASEAN cần hoàn tất các biện pháp xây dựng cộng đồng.

Theo Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, có nhiều biện pháp cần phải tiếp tục thực hiện và đây cũng là những biện pháp đa dự án. Ngoài ra, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoàn thiện cộng đồng và đây sẽ là ưu tiên của Cộng đồng ASEAN trong 10 năm tới.

Trước mắt, ASEAN sẽ ưu tiên triển khai thực hiện cơ chế thẻ du lịch doanh nhân ASEAN, đồng thời tăng cường các chương trình liên kết đào tạo, cho phép sinh viên ASEAN thực tập tại các doanh nghiệp trong khu vực.

Vừa qua, cơ chế thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ASEAN đã được thành lập nhằm hỗ trợ tài chính cho nhóm doanh nghiệp này. Đây là các ví dụ thực tế cho thấy ASEAN đang nỗ lực đưa đến những thay đổi thực sự cho những thành phần “xương sống” của nền kinh tế khu vực.

Có thể khẳng định năm 2015 là năm bản lề quan trọng của ASEAN trong tiến trình hội nhập liên kết khu vực. Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành sẽ đưa ASEAN bước sang giai đoạn phát triển mới, năng động hơn, thực chất hơn và tất cả vì người dân.

Với Việt Nam, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi sự kiện này trùng với dấu mốc tròn 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (1995-2015). Trong dòng chảy đó, Việt Nam đã và đang đóng góp không nhỏ vào sự lớn mạnh của ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, hòa bình, phát triển và thịnh vượng./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều