Trong một bước đi được thông báo là "theo thời gian biểu của thỏa thuận, chứ không phải bởi các hành động của Iran," Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ký sắc lệnh hành chính theo đó có thể bắt đầu miễn áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với Iran. Đây được coi là một bước đi mang tính cột mốc trong quan hệ giữa Iran với Mỹ và Phương Tây.
Toàn cảnh phiên họp của các Ngoại trưởng P5+1 tại Vienna ngày 13/7. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Theo người phát ngôn, đây là một bước đi trong cái gọi là “ngày chấp thuận” (adoption day) mà nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã cam kết trong thỏa thuận ngày 14/7 vừa qua để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.
“Ngày chấp thuận,” chứ không phải “ngày thực hiện” (implementation day), được quy định là 90 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê chuẩn thỏa thuận, tất cả các nước tham gia thỏa thuận sẽ đồng loạt có bước đi này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm việc miễn áp dụng các biện pháp trừng phạt là một bước đi mang tính thủ tục, trên cơ sở lộ trình của thỏa thuận, chứ không phải do các hành động của Iran, do vậy nó chỉ có hiệu lực khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chứng thực Iran đã tuân thủ đầy đủ các cam kết hạn chế chương trình hạt nhân, trong đó có việc cắt giảm lượng urani đã được làm giàu, tháo dỡ 2/3 các thanh nhiên liệu hạt nhân và ngừng xây dựng các cơ sở hạt nhân mới.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran tuy bị Hạ viện bác bỏ, nhưng vẫn có hiệu lực vì Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn. Tuy nhiên, Tổng thống Obama phải ký lệnh hành chính miễn áp dụng các biện pháp trừng phạt sau khi các nhà lập pháp của đảng Dân chủ tại Thượng viện hồi tháng trước đã dốc sức ngăn chặn một nghị quyết có thể dẫn tới cấm thực hiện thỏa thuận. Bước tiếp theo của thỏa thuận sẽ được bắt đầu bằng cái gọi là “ngày thực hiện.”
Trong một diễn biến có liên quan, Liên minh châu Âu (EU) mới đây cũng đã thông qua khuôn khổ pháp lý cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran, mặc dù quyết định này sẽ chỉ có hiệu lực sau khi Tehran thực thi các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được hồi tháng Bảy vừa qua.
Trong tuyên bố chung với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini cho rằng rằng đây là một cột mốc quan trọng nữa đưa các bên liên quan đến gần hơn tới việc bắt đầu thực thi thỏa thuận này.
Cùng ngày, ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran, thông báo “nhiệm vụ lớn lao” vô hiệu hóa một phần cơ sở hạt nhân của Iran có thể sẽ bắt đầu trong tuần này.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Salehi nói rằng ông đang đợi chỉ thị của Tổng thống Hassan Rouhani để tháo gỡ hàng nghìn máy ly tâm tại các cơ sở hạt nhân Natanz và Fordo.
Hồi tháng Bảy, Iran đã đạt được thỏa thuận với Nhóm P5+1, theo đó Tehran phải hạn chế những khía cạnh nhạy cảm trong chương trình hạt nhân của mình để đảm bảo những khía cạnh này không bao giờ được dùng để chế tạo bom, để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, ông Steinmeier nêu rõ Iran phải đưa ra bằng chứng về việc nước này tuân thủ thỏa thuận trên trước khi những biện pháp trừng phạt có thể được dỡ bỏ.
Theo ông Steinmeier, Tehran phải chứng minh được nước này đang tháo dỡ các máy gia tốc được sử dụng để làm giàu urani, đồng thời tiêu hủy những vật liệu đã được làm giàu và xây lại lò phản ứng nước nặng tại thành phố Arak.
Cũng trong ngày 18/10, nhà đàm phán hạt nhân cấp cao của Iran Abbas Araqchi nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cần tuyên bố một cách chính thức và "hợp pháp" việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo trước khi dự luật "Kế hoạch hành động toàn diện chung" (JCPOA) được thông qua.
Ông Araqchi cho biết Ngoại trưởng Iran và quan chức phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU Federica Mogherini sẽ ra một tuyên bố chung về việc phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân, nếu đạo luật về dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran được EU và Mỹ thông qua.
Ông Araqchi còn cho biết theo thỏa thuận hạt nhân đạt được ngày 14/7 tại Vienna (Áo) giữa Iran và Nhóm P5+1, quá trình dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn. Theo sự nhất trí, thỏa thuận hạt nhân lịch sử này có hiệu lực từ ngày 18/10.
Iran hy vọng sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Phương Tây để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt vốn đang chịu tác động nặng nề của những lệnh trừng phạt trên.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin ngoại giao, chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã kín đáo nhắc nhở chính phủ các nước phương Tây khác và các chủ ngân hàng của Mỹ rằng các lệnh trừng phạt đối với Tehran sẽ vẫn có hiệu lực cho tới khi Iran tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1. Iran lâu nay vẫn phủ nhận những cáo buộc cho rằng họ làm giàu urani cho nhiên liệu hạt nhân dùng cho mục đích quân sự./.
(TTXVN/VIETNAM+)