Trước làn sóng di cư ngày một lớn đổ vào các nước Trung Âu, Đức và Áo đã phải tạm thời áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới trên bộ, song biện pháp này vẫn không thể ngăn cản dòng người tị nạn đổ vào Đức mỗi ngày.
Trước làn sóng di cư ngày một lớn đổ vào các nước Trung Âu, Đức và Áo đã phải tạm thời áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới trên bộ, song biện pháp này vẫn không thể ngăn cản dòng người tị nạn đổ vào Đức mỗi ngày.
Người di cư xếp hàng nhận đồ ăn trên tàu Hải quân Đức sau khi được cứu vớt trên biển Địa Trung Hải. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nguồn tin từ giới chức Đức ước tính nước này sẽ phải đón nhận khoảng 1,5 triệu người tị nạn trong năm 2015.
Báo Hình ảnh (Bild) của Đức dẫn một báo cáo mật của cơ quan chức năng Đức, cho biết trong ba tháng cuối năm 2015, ước tính sẽ có tới 920.000 trường hợp tị nạn ở Đức, nâng tổng số người tị nạn tại nước này trong năm nay lên khoảng 1,5 triệu người.
Trước đó, Chính phủ Đức đưa ra con số dự báo chính thức số người tị nạn ở nước này vào khoảng từ 800.000-1 triệu người trong năm 2015.
Theo báo trên, sức ép về vấn đề di cư sẽ ngày càng gia tăng ở Đức khi dự kiến sẽ có từ 7.000-10.000 người/ngày tìm cách vượt biên giới vào Đức, kể cả những tháng mùa Đông và đây sẽ thực sự là gánh nặng nghiêm trọng cho các bang và địa phương ở Đức.
Bên cạnh đó, việc đoàn tụ gia đình của những người tị nạn (đã được thừa nhận ở Đức) cũng là một vấn đề nan giải, bởi cấu trúc gia đình tại các nước Trung Đông phải có trung bình từ 4-8 người/gia đình và như vậy, với mỗi người hưởng quy chế tị nạn ở Đức có thể đề nghị đoàn tụ tới tám thân nhân. Báo cáo nêu trên cũng cho biết các phương tiện, cơ sở hỗ trợ khẩn cấp cho người tị nạn ở Đức, như container làm nơi ở, hiện cũng đã quá tải.
Phát biểu trên truyền hình Đức ZDF ngày 4/10, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần nhanh chóng triển khai biện pháp hạn chế làn sóng tị nạn đổ vào khối này thay vì lập các trạm kiểm soát biên giới hay rào chắn trong nội bộ khối, điều không thực sự giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn cương quyết phản đối việc hạn chế tiếp nhận người tị nạn vào nước này, bất chấp sức ép ngày càng gia tăng từ chính đảng bảo thủ và liên minh cầm quyền của bà.
Nữ Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) này một mặt phản đối hạn chế tiếp nhận người tị nạn từ các nước Trung Đông (từ Hungary sang), mặt khác cũng phản đối việc sửa đổi, siết chặt luật tị nạn và đóng cửa biên giới với các nước Đông và Nam Âu nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn đổ vào nước này. Theo bà, điều cần thiết là một chiến lược dài hơi trong việc tiếp nhận và hội nhập người tị nạn, cũng như đẩy nhanh việc xử lý hồ sơ xin tị nạn, trong đó ưu tiên những người cần được bảo vệ ở Đức. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát biên giới EU cũng như giải quyết các nguyên nhân dẫn tới làn sóng tị nạn hiện nay.