Ngày 16/9, cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Nghị viện Nhật Bản về gói dự luật an ninh đã phải hoãn lại sau khi các nghị sỹ đối lập chặn các lối vào tòa trụ sở, bất chấp Thủ tướng Shinzo Abe nỗ lực thuyết phục các đảng phái ủng hộ các dự luật này.
Ngày 16/9, cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Nghị viện Nhật Bản về gói dự luật an ninh đã phải hoãn lại sau khi các nghị sỹ đối lập chặn các lối vào tòa trụ sở, bất chấp Thủ tướng Shinzo Abe nỗ lực thuyết phục các đảng phái ủng hộ các dự luật này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Chính phủ đã buộc phải rời thời điểm bỏ phiếu sang ngày 17/9. Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo, đến sáng 17/9, các nghị sỹ đối lập vẫn chặn các lối vào phòng họp của Nghị viện.
Trong khi đó, cảnh sát cho biết khoảng 13.000 người đã tụ tập bên ngoài trụ sở Nghị viện ở thủ đô Tokyo đòi hủy bỏ gói dự luật gây tranh cãi trên. Theo ban tổ chức biểu tình, số người tham gia lên tới 35.000 người.
Trước đó, trong nhiều tuần qua, hàng chục nghìn người cũng đã xuống đường phản đối các kế hoạch của ông Abe nhằm tăng vai trò của quân đội Nhật Bản.
Theo lộ trình, đây sẽ là cuộc bỏ phiếu cuối cùng trước khi các dự luật trên chính thức trở thành luật.
Gói dự luật an ninh đã được thông qua tại Hạ viện hồi tháng Bảy vừa qua. Nếu được Thượng viện thông qua trong phiên họp toàn thể này, gói dự luật an ninh sẽ chính thức hiện thực hóa quyết định của Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 7/2014, theo đó diễn giải lại Hiến pháp nước này cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể hoặc trợ giúp Mỹ và các nước đồng minh khác khi bị tấn công vũ trang, cho dù Nhật Bản không bị tấn công.
Đây là thay đổi lớn đối với chính sách an ninh của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II, vốn chỉ hướng tới phòng vệ.
Thủ tướng Abe thừa nhận rằng gói dự luật trên không nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng, song vẫn quyết tâm thúc đẩy thông qua trong kỳ họp nghị viện hiện nay. Ông khẳng định việc này là cần thiết vì môi trường an ninh đang thay đổi.