Ngày 14-9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang xem xét đề nghị của Mỹ về việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tư lệnh Lục quân Nam Sudan và một chỉ huy của lực lượng nổi dậy do đã vi phạm lệnh ngừng bắn theo như thỏa thuận hòa bình mới ký kết giữa hai bên.
Ngày 14-9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang xem xét đề nghị của Mỹ về việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tư lệnh Lục quân Nam Sudan và một chỉ huy của lực lượng nổi dậy do đã vi phạm lệnh ngừng bắn theo như thỏa thuận hòa bình mới ký kết giữa hai bên.
Binh sỹ chính phủ Nam Sudan. (Ảnh: Reuters) |
Tư lệnh lục quân Paul Malong và chỉ huy Johnson Olony sẽ bị cấm đi lại trên toàn thế giới và phong tỏa tài sản do vai trò của họ trong việc tiếp tục làm bùng phát cuộc chiến sau thỏa thuận ngừng bắn.
Lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực trong ngày 15/9 nếu không có thành viên nào trong số 15 nước ủy viên của Hội đồng Bảo an phản đối.
Malong là một nhân vật nổi tiếng "diều hâu" do từng trải qua thời gian dài tham gia nội chiến Sudan 1983-2005 và là cựu Thống đốc bang Bắc Bahr el Ghazal.
Tháng 4/2014, nhân vật này còn được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng nhân dân Sudan.
Trong khi đó, Olony, người từng theo các phe khác nhau và là một cựu tướng lĩnh trong chính phủ cũ, bị cáo buộc cưỡng ép trẻ em cầm súng chiến đấu.
Các lệnh trừng phạt này là một phần của đợt trừng phạt thứ hai sau khi hồi tháng 7, Hội đồng Bảo an quyết định đưa vào danh sách đen 6 chỉ huy quân sự, trong đó 3 từ phía quân chính phủ và 3 của phiến quân.
Cuộc nội chiến bùng phát tại Nam Sudan từ tháng 12/2013 khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính.
Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, ngày 26/8 vừa qua, Tổng thống Kiir miễn cưỡng ký thỏa thuận hòa bình, tuy nhiên cuộc xung đột sắc tộc vẫn tiếp diễn.
Đến nay, xung đột bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, đẩy gần 70% dân số nước này vào tình trạng thiếu lương thực và buộc khoảng 200.000 người phải đi lánh nạn.