Ủy ban đặc biệt phụ trách luật an ninh của Hạ viện Nhật Bản ngày 15-7 đã thông qua dự luật an ninh, theo đó cho phép thực thi thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Động thái này diễn ra bất chấp sự phản đối mạnh của các đảng đối lập cũng như dư luận ở Nhật Bản.
Ủy ban đặc biệt phụ trách luật an ninh của Hạ viện Nhật Bản ngày 15-7 đã thông qua dự luật an ninh, theo đó cho phép thực thi thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Động thái này diễn ra bất chấp sự phản đối mạnh của các đảng đối lập cũng như dư luận ở Nhật Bản.
Dự luật an ninh mới được cho là sẽ nâng cấp vai trò của quân đội Nhật Bản. (Nguồn: asianews.it) |
Nếu được Quốc hội thông qua, dự luật trên sẽ chính thức hiện thực hoá quyết định lịch sử của Nội các Nhật Bản hồi tháng 7-2014, theo đó Tokyo diễn giải lại Hiến pháp cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể hoặc trợ giúp Mỹ và các nước hữu hảo khác bị tấn công vũ trang, cho dù bản thân Nhật Bản không bị tấn công. Đây là thay đổi lớn đối với chính sách an ninh của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II chỉ hướng tới phòng vệ. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định thay đổi đó là yếu tố then chốt để đối phó với thách thức an ninh mới.
Tại cuộc họp của Uỷ ban trên tối 14-7, liên minh cầm quyền đề xuất tổ chức phiên điều trần về dự luật trong ngày 15-7 với sự tham dự của Thủ tướng Abe. Liên minh này cũng đề nghị sau phiên hỏi đáp, liên minh cầm quyền và đối lập sẽ thảo luận và đưa dự luật ra bỏ phiếu.
Trong cuộc thăm dò qua điện thoại do hãng tin Kyodo thực hiện mới đây, 58,7% số người được hỏi phản đối dự luật trong khi 27,8% ủng hộ. Các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều nơi trên nước Nhật ngày 14-7 để phản đối động thái của liên minh cầm quyền thúc đẩy thông qua dự luật tại Hạ viện. Riêng ở trung tâm Tokyo, số lượng người tham gia biểu tình lên tới 20.000 người. Những người phản đối cho rằng dự luật này vi phạm hiến pháp hòa bình của Nhật Bản và có nguy cơ đẩy nước này vào các cuộc xung đột do Mỹ đứng đầu.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh Mới, đối tác trong liên minh cầm quyền, hy vọng sau khi gửi dự luật lên Thượng viện để thảo luận thêm, dự luật sẽ được cơ quan này thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 27-9, thời điểm kết thúc kỳ họp Quốc hội được kéo dài. Liên minh cầm quyền hiện nắm đa số tại cả hai viện của Quốc hội. |
(Theo Kyodo)