Báo Đồng Nai điện tử
En

Thổ Nhĩ Kỳ: Đường ống khí đốt hư hỏng nặng sau vụ đánh bom

04:07, 28/07/2015

Ngày 28/7, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết việc cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn giữa nước này với Iran tạm thời bị ngưng trệ do tuyến đường ống bị hư hỏng sau một vụ đánh bom đêm 27/7.

Ngày 28/7, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết việc cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn giữa nước này với Iran tạm thời bị ngưng trệ do tuyến đường ống bị hư hỏng sau một vụ đánh bom đêm 27/7.

Vụ đánh bom đã gây ra cháy tại đoạn đường ống đi qua tỉnh Agri miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đám cháy đã nhanh chóng được dập tắt và việc cấp khí đốt sẽ được nối lại khi sửa chữa xong những hư hại do cháy gây ra.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra các phương tiện tại một trạm kiểm soát ở Diyarbakir, sau một vụ đánh bom xe. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra các phương tiện tại một trạm kiểm soát ở Diyarbakir, sau một vụ đánh bom xe. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiện chưa có lực lượng nào nhận gây ra vụ đánh bom, song truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đều hướng nghi ngờ tới Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn đặt căn cứ ở miền Đông Nam nước này và bị Ankara coi là tổ chức khủng bố.

Chính PKK cũng đã từng nhận thực hiện hàng loạt vụ tấn công trong các tuần vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây nhất là vụ sát hại hai cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Ceylanpinar, giáp biên giới với Syria ngày 22/7.

Trong tuyên bố ngày 27/7, Thủ tướng Ahmet Davutoglu cam kết sẽ tăng cường hoạt động truy quét cho đến khi giải giáp hoàn toàn được PKK.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/7, Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho biết trong khuôn khổ chiến dịch chống khủng bố lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ được 1.050 kẻ tình nghi tại 34 tỉnh trên cả nước.

Trong số những nghi can bị bắt giữ, chiếm số đông là những kẻ tình nghi thành viên nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, PKK và đảng Tự do Nhân dân Cách mạng (DHKP-C).

Chiến dịch truy quét trên là một phần trong hoạt động quy mô lớn trên toàn quốc tấn công các tổ chức bị đặt ngoài vòng pháp luật tại Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm IS, PKK và DHKP-C, đồng thời chính quyền Ankara cũng siết chặt an ninh ở biên giới với Syria sau vụ đánh bom liều chết ngày 20/7 tại thị trấn biên giới Suruc làm 32 người thiệt mạng.

Ankara cũng cho biết các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chấp nhận đề nghị của nước này và nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 28/7 để thảo luận về việc hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại IS và PKK.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin xem nhiều