Báo Đồng Nai điện tử
En

Pháp, Đức hối thúc Ukraine trao quyền tự quản cho miền Đông

02:07, 11/07/2015

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa có động thái gây bất ngờ khi hối thúc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phải đảm bảo quyền tự quản cho vùng lãnh thổ đang đòi độc lập ở miền Đông nước này trong hiến pháp sửa đổi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa có động thái gây bất ngờ khi hối thúc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phải đảm bảo quyền tự quản cho vùng lãnh thổ đang đòi độc lập ở miền Đông nước này trong hiến pháp sửa đổi.
Thành viên OSCE thị sát tại làng Telmanove, phía nam khu vực Donetsk ngày 5/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thành viên OSCE thị sát tại làng Telmanove, phía nam khu vực Donetsk ngày 5/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Poroshenko cũng xác nhận trong cuộc điện đàm ngày 10/7, Thủ tướng Angela Merkel​ và Tổng thống Pháp Francois Hollande​ đã yêu cầu ông tiếp tục "cải cách hiến pháp," đặc biệt nhấn mạnh đến việc đưa vào hiến pháp sửa đổi những quy định về quyền tự quản cho một số vùng ở hai tỉnh Donetsk​ và Lugansk. 

Văn phòng của Tổng thống Pháp khẳng định ông Hollande và bà Merkel đều coi việc đưa quy chế đặc biệt của những khu vực nói trên vào hiến pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngụ ý đến việc thực thi thực tế thỏa thuận Minsk tiến tới chấm dứt xung đột vũ trang kéo dài hơn một năm qua tại Ukraine.

Một trong 13 điểm của bản thỏa thuận ký ngày 12/2 tại Minsk (Belarus) có sự tham gia của Đức, Pháp và Nga đó là Ukraine phải tiến hành đối thoại về quy chế đặc biệt cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk, cũng như về thể chế tương lai cho các vùng này. 

Tuy nhiên, ngày 8/7 vừa qua, Tổng thống Poroshenko đã đệ trình Quốc hội dự thảo hiến pháp, trong đó không đề cập đến quy chế dài hạn, mà chỉ là phân cấp chính quyền trung ương, đồng thời trao quyền tự quản tạm thời ba năm cho các vùng trên. 

Dù ông Poroshenko cho biết đã thông qua nội dung dự thảo với đại diện Donetsk và Lugansk, tuy nhiên phía chính quyền tự xưng của hai vùng này phủ nhận, họ cho biết không hề cử đại diện tham gia Ủy ban cải cách Hiến pháp của Kiev, cơ quan soạn thảo bản dự thảo trên.

Trong lúc này, bất chấp nhiều nỗ lực quốc tế cũng như các văn kiện ký kết nhằm giải quyết khủng hoảng, ở miền Đông Ukraine vẫn xuất hiện những cáo buộc vi phạm lệnh ngừng bắn, sử dụng vũ khí hạng nặng đã bị cấm. 

Kể từ khi xung đột nổ ra giữa các lực lượng đòi độc lập miền Đông Ukraine và Chính quyền Kiev hồi tháng 2/2014 đến nay, hơn 6.500 người đã thiệt mạng, 1,4 triệu người mất nhà cửa và phải sơ tán trong nước cũng như sang các nước láng giềng. 

Hôm 10/7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nỗ lực thiết lập lại hòa bình tại Ukraine bị "mắc kẹt" do nguyên nhân Chính quyền của ông Poroshenko từ chối đối thoại trực tiếp với đại diện các vùng đòi độc lập./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều