Ngày 28/6, trong một cuộc phỏng vấn của đài Europe 1, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nêu rõ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không nên cắt viện trợ cho các ngân hàng của Hy Lạp, ngay cả trong trường hợp nước này không đáp ứng được thời hạn chót 30/6 để thanh toán các khoản nợ.
Ngày 28/6, trong một cuộc phỏng vấn của đài Europe 1, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nêu rõ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không nên cắt viện trợ cho các ngân hàng của Hy Lạp, ngay cả trong trường hợp nước này không đáp ứng được thời hạn chót 30/6 để thanh toán các khoản nợ. Ông còn cho rằng mặc dù ECB là một định chế độc lập, song ngân hàng này cũng phải gánh vác trách nhiệm.
Thủ tướng Pháp cũng lên tiếng cảnh báo các cử tri Hy Lạp rằng lá phiếu phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 có thể đồng nghĩa với quyết định rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ông nói: "Người dân Hy Lạp cần phải quyết định một cách sáng suốt. Nếu bỏ phiếu phản đối, sẽ có nguy cơ thực sự... phải rời khỏi Eurozone".
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã từ chối tăng tín dụng khẩn cấp cho các ngân hàng của Hy Lạp, một ngày sau khi chính phủ nước này đẩy các cuộc thương lượng với các chủ nợ vào tình trạng bế tắc do kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về các điều kiện tài chính do các nước chủ nợ đưa ra. Quyết định của ECB khiến sức ép đối với các ngân hàng của Hy Lạp gia tăng khi các khoản tiền gửi cạn dần.
Trong khi đó, cựu thành viên hội đồng quản trị ECB Lorenzo Bini Smaghi ngày 28/6 phát biểu công khai rằng ECB không còn khả năng cung cấp cho các ngân hàng của Hy Lạp những khoản thanh toán tiền mặt khẩn cấp do sự đổ vỡ trong thương lượng giữa Hy Lạp và các chủ nợ của nước này, cũng như những nghi ngờ về việc Hy Lạp ở lại khu vực dùng đồng euro. Trong bài viết trên nhật báo "Corriere della Sera", nhà kinh tế người Italy này cho rằng những tuần sắp tới chắc chắn sẽ là khoảng thời gian hết sức khó khăn đối với các công dân Hy Lạp, những người cố tìm cách rút tiền của họ khỏi ngân hàng nhưng "hoàn toàn không thể". Ông viết: "Do sự bấp bênh về khả năng Hy Lạp ở lại trong khu vực dùng đồng euro, ECB sẽ không còn có thể cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp, và như vậy các ngân hàng này sẽ không thể cung cấp tiền cho khách hàng của họ".
Về khả năng Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Bộ trưởng Tài chính Áo Hans Joerg Schelling được nhật báo "Die Presse" của nước này dẫn lời ngày 28/6 cho rằng trước hết Athens sẽ phải nộp đơn xin rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) và được các nước khác chấp thuận.
Nhật báo "Die Presse" còn dẫn lời ông Schelling nói thêm rằng "hậu quả đối với những nước khác trong khu vực sử dụng đồng euro sẽ không nghiêm trọng như đối với Hy Lạp. Rõ ràng là, không một quốc gia nào có thể đe dọa Ủy ban châu Âu (EC) và các nước sử dụng đồng euro trong bất cứ trường hợp nào".
Trước đó Chính phủ Hy Lạp đã kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới để cử tri Hy Lạp có thể quyết định về việc có chấp nhận hay không các điều kiện cứu trợ mới khắc nghiệt hơn mà bản thân chính phủ nước này cũng phản đối./.
Theo TTXVN