Báo Đồng Nai điện tử
En

Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu đến Biển Đông

05:05, 14/05/2015

Sáng qua một giàn khoan nước sâu hiện đại của Trung Quốc lên đường tới Biển Đông tác nghiệp. Hiện chưa rõ vị trí hoạt động của giàn khoan này.

Sáng qua một giàn khoan nước sâu hiện đại của Trung Quốc lên đường tới Biển Đông tác nghiệp. Hiện chưa rõ vị trí hoạt động của giàn khoan này.
Hưng Vượng, một trong nhiều giàn khoan nước sâu mà Trung Quốc trang bị trong thời gian gần đây. Ảnh: Sina
Hưng Vượng, một trong nhiều giàn khoan nước sâu mà Trung Quốc trang bị trong thời gian gần đây. Ảnh: Sina

Theo Xinhua, giàn khoan Hưng Vượng thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) rời cảng tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, lên đường đến Biển Đông. Tuy nhiên, hãng tin không nói rõ địa điểm tác nghiệp cụ thể của giàn khoan này.

Giàn khoan Hưng Vượng do công ty CIMC Raffles liên doanh giữa Trung Quốc và Singapore lắp đặt, và được chuyển giao cho CNOOC vào tháng 11/2014.

Giàn khoan này được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật hàng đầu của Singapore và Trung Quốc, với khả năng tác nghiệp tại mức nước sâu nhất lên đến 1.500 mét và độ sâu của giếng khoan thăm dò đạt 7.600 mét.

Tải trọng của Hưng Vượng là 5.000 tấn, có đủ không gian cho 130 người hoạt động trên giàn khoan. Ngoài ra, hệ thống định vị động lực đặc biệt của giàn khoan này có thể đảm bảo hoạt động bình thường trong điều kiện gió bão cấp 12 tại Biển Đông.

Theo Sina, để chuẩn bị cho chuyến tác nghiệp lần này tại Biển Đông, CIMC Raffles trước đó đã tiến hành điều chỉnh kỹ thuật để đảm bảo giàn khoan có thể trực tiếp khoan giếng sau khi đến nơi.

Tháng 1, truyền thông Trung Quốc đưa tin giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 di chuyển trên Biển Đông để tới Myanmar tác nghiệp trong vòng hai tuần. Đây chính là giàn khoan mà Trung Quốc kéo vào đặt gần Hoàng Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014, gây phản ứng dữ dội từ nhiều bên.

Theo công ước về luật biển, tàu thuyền và phương tiện nước ngoài có quyền tự do đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển, nếu hoạt động đi lại đó không gây cản trở đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển.

Theo VnExpress

Tin xem nhiều