Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, trong hai ngày 26-27/3, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố Geneva của nước này, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng, thông qua 34 nghị quyết và quyết định quan trọng, cùng 3 tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 28.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, trong hai ngày 26-27/3, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố Geneva của nước này, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng, thông qua 34 nghị quyết và quyết định quan trọng, cùng 3 tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 28.
Một phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc làm Trưởng đoàn.
Hơn 30 dự thảo đã được các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận liên quan đến nhiều vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm cao như thực hiện các quyền kinh tế-văn hóa-xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế về nhân quyền, bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, tăng cường đầu tư cho quyền trẻ em, bảo đảm cho người khuyết tật tham gia xã hội bình đẳng, môi trường và quyền con người, tự do và khoan dung tôn giáo, ngăn chặn tội ác diệt chủng, hoặc các vấn đề thời sự nóng hổi như giải quyết những vi phạm nhân quyền do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra...
Sau thời gian thảo luận trong không khí thẳng thắn, Hội đồng Nhân quyền đã bỏ phiếu để thông qua 14 dự thảo khác, đáng chú ý là các nghị quyết liên quan đến tình hình tại Syria, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều tiên, Iran, các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, việc thiết lập Diễn đàn Dân chủ và pháp quyền trực thuộc Hội đồng Nhân quyền …
Trên cơ sở quan tâm và cam kết của Việt Nam đối với việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Đại sứ Nguyễn Trung Thành và đoàn Việt Nam đã chủ động tham gia, tích cực đóng góp vào quá trình thảo luận và thông qua các nghị quyết, quyết định của Khóa 28 trên tinh thần thúc đẩy việc bảo vệ và mở rộng thụ hưởng các quyền của người dân, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp và thực tiễn quốc tế cũng như các đặc thù về kinh tế, truyền thống văn hóa và phát triển của các quốc gia, khu vực.
Đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh Hội đồng Nhân quyền cần nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng, kiên trì tìm các giải pháp cân bằng và thỏa đáng đối với những bất đồng, tránh để Hội đồng Nhân quyền bị chính trị hóa làm ảnh hưởng đến uy tín của hội đồng.
Khóa họp này, Việt Nam đã đồng bảo trợ 5 nghị quyết về thực hiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, về thành lập Chuyên gia Độc lập của Liên hợp quốc về bảo vệ người bị bệnh bạch tạng, về quyền làm việc, về quyền văn hóa và đa dạng văn hóa, và về quyền lương thực.
Các nghị quyết do Việt Nam bảo trợ đã được Khóa 28 Hội đồng Nhân quyền thông qua với sự đồng thuận.
Khóa họp thường kỳ lần thứ 28 diễn ra trong các ngày từ 2-27/3, mở đầu cho các hoạt động chính thức của Hội đồng Nhân quyền trong năm 2015, năm thứ hai Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền với tư cách thành viên.
Trong 4 tuần họp, Đoàn Việt Nam đã có nhiều phát biểu tại các phiên chính thức về các vấn đề khác nhau, thể hiện quan điểm quốc gia, hoặc thay mặt ASEAN với tư cách Đồng Điều phối viên ASEAN năm 2015.
Dự kiến, khóa họp thường kỳ tiếp theo của Hội đồng Nhân quyền sẽ được tổ chức vào tháng 6/2015. Ngày 1/4 tới, Hội đồng Nhân quyền sẽ triệu tập khẩn cấp Khóa họp Đặc biệt về tình hình vi phạm nhân quyền do nhóm khủng bố Boko Haram gây ra.
(TTXVN/Vietnam+)