Theo kết quả bầu cử Quốc hội và hội đồng địa phương tại Bahrain công bố ngày 30/11, các ứng cử viên Hồi giáo dòng Sunni ủng hộ chính phủ đã giành đa số ghế tại Quốc hội quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này.
Theo kết quả bầu cử Quốc hội và hội đồng địa phương tại Bahrain công bố ngày 30/11, các ứng cử viên Hồi giáo dòng Sunni ủng hộ chính phủ đã giành đa số ghế tại Quốc hội quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này.
Kết quả cuộc bầu cử hôm 29/11, vòng bỏ phiếu thứ hai và cũng là cuối cùng, cho thấy người Sunni giành 27 trong tổng số 40 ghế tại Quốc hội, trong khi 13 ghế còn lại thuộc về người Shiite. Trong số các nghị sỹ mới theo dòng Sunni có 2 thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) - tổ chức vốn bị cấm hoạt động tại các nước láng giềng vùng Vịnh của Bahrain và bị Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) liệt vào danh sách "tổ chức khủng bố", song lại là đồng minh của chính quyền Bahrain. Trong cuộc bỏ phiếu vòng một trước đó một tuần, không có ứng cử viên nào giành được trên 50% số phiếu bầu theo quy định để trúng cử.
Người dân Bahrain đi bỏ phiếu bầu. (Nguồn: AP) |
Đây là lần đầu tiên Bahrain tiến hành bầu cử Quốc hội và hội đồng địa phương kể từ khi nổ ra cuộc chính biến năm 2011. Cuộc bầu cử lần này được đánh giá là cuộc đua tranh gay gắt giữa chế độ quân chủ do người Hồi giáo dòng Sunni nắm quyền và lực lượng đối lập. Tình trạng bế tắc chính trị đã kéo dài gần 4 năm qua tại quốc gia Vùng Vịnh này sau các cuộc biểu tình chống chính phủ của cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Shiite đòi cải cách chính trị và chia sẻ quyền lực.
Trước khi diễn ra bầu cử, lực lượng đối lập theo dòng Hồi giáo Shiite gồm Al-Wefaq và 4 tổ chức đối lập khác đã tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử, với chỉ trích rằng chính phủ đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước, đồng thời kêu gọi thành lập một nền quân chủ lập hiến "thực sự" với một thủ tướng dân cử và hoạt động độc lập với Hoàng gia Al-Khalifa, tuy nhiên triều đại dòng Sunni đã bác bỏ yêu sách này.
Mặc dù vậy, theo ủy ban bầu cử, số người đi bầu chọn các đại biểu quốc hội và cơ quan lập pháp tỉnh, thành phố vẫn đạt 52,6% trong số khoảng 400.000 cử tri đủ tư cách bỏ phiếu. Hơn 300 quan sát viên từ 8 tổ chức phi chính phủ đã tới giám sát cuộc bầu cử này.
Bộ Ngoại giao Mỹ - đồng minh thân cận của Bahrain - ngày 30/11 đã hoan nghênh kết quả bầu cử, đồng thời động viên người dân Bahrain "tiếp tục nỗ lực hành động hướng tới hòa giải dân tộc, thông qua đối thoại chính trị thực sự và tôn trọng quyền của tất cả mọi người.
Trong khi đó, Đại sứ Vương quốc Anh tại Bahrain Iain Lindsay nhận định trong bối cảnh có thông tin cho rằng phe đối lập yêu cầu tẩy chay cuộc bầu cử bằng các hăm dọa ứng cử viên và cử tri tham gia bầu cử, song số cử tri đi bỏ phiếu vẫn đông là rất đáng khích lệ. Đại sứ nêu rõ: "Điều quan trọng là cuộc bầu cử thực thi đúng vai trò hiến pháp, đại diện cho mọi cộng đồng tại Bahrain, và khuyến khích một chương trình cải cách toàn diện."
Cùng ngày, nước láng giềng Qatar đã hoan nghênh cuộc bầu cử ở Bahrain được tổ chức thành công, đồng thời nhận định "đây là một bước tiến quan trọng trong tiến trình dân chủ và thống nhất dân tộc ở Bahrain".