Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 25/11, tại thành phố Sochi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nga, đồng thời là Chủ tịch Đảng "Nước Nga Thống nhất" Dmitry Medvedev.
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 25/11, tại thành phố Sochi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nga, đồng thời là Chủ tịch Đảng “Nước Nga Thống nhất” Dmitry Medvedev.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Thủ tướng Liên bang Nga D. Medvedev. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng D. Medvedev bày tỏ vui mừng được đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Liên bang Nga; đánh giá chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – LB Nga lên tầm cao mới, là dịp để hai nước tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc và mở rộng quan hệ hợp tác song phương, củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng “Nước Nga Thống nhất” cầm quyền. Nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc trong các lần thăm Việt Nam trước đây, Thủ tướng D. Medvedev bày tỏ ấn tượng về những tình cảm tốt đẹp mà người dân Việt Nam dành cho Liên bang Nga và sự phát triển năng động trong đời sống kinh tế-xã hội của Việt Nam; tin tưởng vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ dành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng đất nước, ngày càng củng cố vị trí quan trọng của mình ở khu vực châu Á và trên thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn Thủ tướng Chính phủ và nhân dân Nga về sự đón tiếp hết sức trọng thị, chu đáo và mến khách, với tình cảm chân thành của những người bạn thân thiết dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Tổng Bí thư bày tỏ ấn tượng sâu sắc đối với sự điều hành của Chính phủ cũng như của cá nhân Ngài Thủ tướng D. Medvedev, Chủ tịch Đảng “Nước Nga Thống nhất”, trong bối cảnh thời gian gần đây nước Nga phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Liên bang Nga vẫn tiếp tục phát triển về mọi mặt: Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, Đảng “Nước Nga Thống nhất” không ngừng được củng cố và phát triển, ngày càng thể hiện là một đảng cầm quyền mạnh, có vai trò và vị thế quan trọng trên chính trường Nga, là chỗ dựa vững chắc của chính quyền trong việc thực hiện các quyết sách lớn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, coi Nga là một trong những đối tác quan trọng, tin cậy hàng đầu của Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá cao và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp với Đảng “Nước Nga Thống nhất”.
Trong bầu không khí cởi mở, chân thành và tin cậy lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo cùng chia sẻ những đánh giá, nhận định về quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai Đảng trong thời gian qua. Đặc biệt từ khi hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012 và hai Đảng thiết lập quan hệ chính thức vào năm 2002, quan hệ Việt – Nga ngày càng phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao và cấp cao nhất diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, an ninh - quốc phòng, văn hóa - du lịch và giáo dục đào tạo… đạt nhiều kết quả tốt đẹp và không ngừng được tăng cường. Hai nước cũng chia sẻ quan điểm chung trong hầu hết các vấn đề quốc tế, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.
Trao đổi về các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hai bên cho rằng hợp tác kinh tế - thương mại song phương đã có bước phát triển năng động, song còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu của hai bên. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng nỗ lực để nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và đến năm 2020 là 10 tỷ USD. Để thực hiện được điều đó, trước mắt phía Nga cam kết sẽ thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga-Belarus-Kazakhstan) để nhanh chóng đi đến ký kết chính thức vào đầu năm 2015, từ đó tạo điều kiện cho các luồng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của hai nước lưu thông dễ dàng vào thị trường của nhau, thúc đẩy tăng trưởng vững chắc các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng D. Medvedev bày tỏ hài lòng về sự hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng; cho rằng đây là lĩnh vực then chốt có ý nghĩa chiến lược đối với hai nước, đặc biệt là hợp tác về dầu khí và điện hạt nhân. Hai bên thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dầu khí nhà nước của hai quốc gia hoạt động trên lãnh thổ của nhau, trong đó có miễn giảm thuế và mở rộng địa bàn hoạt động; đồng thời cùng tăng cường hợp tác trong việc thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thống nhất đẩy nhanh đàm phán để đạt được thỏa thuận hợp tác về mở rộng và hiện đại hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trong lĩnh vực điện hạt nhân, phía Nga khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với phương châm bảo đảm an toàn tuyệt đối, chất lượng cao, hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở pháp lý để dự án được triển khai đúng quy trình, hỗ trợ đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý trực tiếp thực hiện Dự án cũng như quản lý, vận hành công trình và làm chủ công nghệ sau này.
Thủ tướng D. Medvedev cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào Nga, đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay và sẽ cùng phối hợp với phía Việt Nam nghiên cứu, xem xét cơ chế chuyển đổi linh hoạt giữa đồng ruble (rúp) và đồng Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán, giao dịch giữa hai nước, bảo đảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn Chính phủ và cá nhân Thủ tướng D. Medvedev đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống và yên tâm làm ăn lâu dài tại Liên bang Nga; đồng thời đề nghị trong thời gian tới phía Nga giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng người Việt được cấp, nhận các giấy tờ để sinh sống và làm việc hợp pháp theo luật pháp của Liên bang Nga; cùng phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam giải quyết các vụ việc phát sinh liên quan đến cộng đồng người Việt Nam, phù hợp với các quy định của pháp luật Nga, pháp luật Việt Nam, trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; giúp cộng đồng người Việt Nam tại Nga hòa nhập với nước sở tại, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế tại hai nước.
Tổng Bí thư cũng đề nghị Thủ tướng và Chính phủ Nga hỗ trợ để Trung tâm Văn hóa – Thương mại (đa chức năng) INCENTRA tại Nga đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, xây dựng tại đây Trung tâm Y học dân tộc để chữa bệnh cho người Việt và người Nga, hỗ trợ để sớm mở đường bay từ Việt Nam đi Vladivostok và ngược lại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng D. Medvedev nhất trí giao cho các cơ quan chuyên môn của hai bên xem xét đề xuất thời gian giải quyết các đề nghị liên quan.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy, Việt Nam và Liên bang Nga có nhiều điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, đã có nhiều sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; cho rằng vấn đề này cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ Nga tăng cường vai trò trong các vấn đề bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Thủ tướng Nga D. Medvedev cam kết Nga sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng D. Medvedev nhất trí cho rằng các tranh chấp trên biển cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Theo TTXVN