Ngày 9/11, Quốc hội Libya được quốc tế công nhận đã bỏ phiếu phế truất Đại giáo trưởng Sadok Ghariani và giải thể Dar al-Ifta, cơ quan chuyên ra các sắc lệnh tôn giáo và có quyền năng cao nhất tại các nước Hồi giáo.
Ngày 9/11, Quốc hội Libya được quốc tế công nhận đã bỏ phiếu phế truất Đại giáo trưởng Sadok Ghariani và giải thể Dar al-Ifta, cơ quan chuyên ra các sắc lệnh tôn giáo và có quyền năng cao nhất tại các nước Hồi giáo.
Quốc hội Libya. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Theo một nghị sỹ, quyết định nói trên đã được 68 trong tổng số 91 nghị sỹ có mặt thông qua.
Ngoài ra, Quốc hội Libya cũng quyết định tạm chuyển giao các chức năng của Dar al-Ifta sang Bộ Truyền giáo, trong khi chờ đợi một ủy ban đặc biệt sửa đổi dự luật về cơ quan tôn giáo này.
Đại giáo trưởng Ghariani từng nhiều lần từ chối công nhận tính hợp pháp của Quốc hội được bầu và kêu gọi người dân biểu tình chống lại cơ quan lập pháp được quốc tế công nhận này.
Mới đây, sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao Libya ra phán quyết bác bỏ tính hợp pháp của Quốc hội, ông Ghariani đã miêu tả quyết định này là "kỳ tích."
Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng.
Giao tranh ác liệt tại Tripoli và thành phố Benghazi khiến quốc hội mới được bầu cũng như chính phủ phải chuyển trụ sở về thành phố Tobruk, gần biên giới với Ai Cập.
Trong khi đó, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC, quốc hội đã mãn nhiệm của Libya) - không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli với sự hậu thuẫn của các nhóm phiến quân Hồi giáo.