Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngân hàng Hoàng gia Scotland đối mặt với khoản phạt mới

03:11, 18/11/2014

Trong khi thông tin về vụ bị nhà chức trách Anh và Mỹ phạt nặng vì dính líu đến bê bối thao túng tỷ giá trao đổi ngoại tệ chưa lắng xuống thì Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) lại phải đối mặt với khoản phạt mới liên quan đến sự cố kỹ thuật xảy ra cách đây hơn 2 năm, khiến nhiều khách hàng không thể truy nhập vào tài khoản của họ.

Trong khi thông tin về vụ bị nhà chức trách Anh và Mỹ phạt nặng vì dính líu đến bê bối thao túng tỷ giá trao đổi ngoại tệ chưa lắng xuống thì Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) lại phải đối mặt với khoản phạt mới liên quan đến sự cố kỹ thuật xảy ra cách đây hơn 2 năm, khiến nhiều khách hàng không thể truy nhập vào tài khoản của họ.
Ngân hàng RBS. (Nguồn: AP)
Ngân hàng RBS. (Nguồn: AP)
Các nguồn tin cho biết khoản phạt mà Cơ quan quản lý hoạt động tài chính (FCA) của Vương quốc Anh áp dụng đối với RBS có thể lên tới 50 triệu bảng (80 triệu USD).

Sự cố xảy ra từ hồi tháng 6/2012 ngay sau khi RBS tiến hành chương trình nâng cấp kỹ thuật trên toàn hệ thống. Chỉ trong vòng vài ngày, khoảng 100 triệu giao dịch tại Ngân hàng RBS và các chi nhánh NatWest và Ulster không thể thực hiện được do sự cố này.

FCA bắt đầu mở cuộc điều tra chính thức đối với sự cố kỹ thuật của RBS từ năm ngoái. Trước đó, ngân hàng này cũng đã phải chi ra 175 triệu bảng (khoảng 280 triệu USD) để giải quyết hậu quả của vụ bê bối này. 

Năm ngoái, RBS cũng gặp phải một sự cố kỹ thuật nữa đúng vào ngày "Thứ Hai Điện tử" (ngày thứ Hai đầu tiên sau Lễ Tạ ơn, mở đầu cho đợt mua sắm qua mạng), khiến cho nhiều khách hàng không thể sử dụng được thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trong 3 tiếng liền. 

Theo kế hoạch, RBS và Ngân hàng NatWest sẽ chi ra hơn 1 tỷ bảng (hơn 1,6 tỷ USD) để nâng cấp khả năng giao dịch kỹ thuật số trong vòng 3 năm tới.

Tuần trước, RBS cùng với 5 ngân hàng lớn khác của châu Âu và Mỹ đã bị FCA và Ủy ban Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ (CFTC) phạt tổng cộng 4,3 tỷ USD do có hoạt động thao túng các thị trường ngoại tệ. Sáu ngân hàng bị phạt đều có trung tâm hoạt động tại thị trường ngoại tệ lớn nhất thế giới ở London, nơi giao dịch tới 5,3 nghìn tỷ USD mỗi ngày. 

Theo cáo buộc của FCA và CFTC, RBS, Ngân hàng HSBC (Anh), Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), JP Morgan Chase, Citigroup và Bank of America (Mỹ) đã cho phép các thương gia thông đồng với nhau để dàn xếp mức lãi suất chuẩn. Trong đó, riêng RBS bị FCA và CFTC phạt tổng cộng 400 triệu bảng (gần 640 triệu USD)./.

(VIETNAM+)

Tin xem nhiều