Ngày 3/11, Chính phủ Canada công bố khoản kinh phí mới 20,7 triệu USD cho hoạt động thí nghiệm và phát triển vắcxin cũng như thuốc điều trị Ebola.
Ngày 3/11, Chính phủ Canada công bố khoản kinh phí mới 20,7 triệu USD cho hoạt động thí nghiệm và phát triển vắcxin cũng như thuốc điều trị Ebola.
Phát biểu tại một phòng thí nghiệm ở Winnipeg, Manitoba, nơi điều chế loại thuốc thử nghiệm ZMAb, Bộ trưởng Y tế Canada Rona Ambrose cho biết khoản tiền trên sẽ được dành cho chương trình thí nghiệm và điều chế vắcxin và thuốc thử nghiệm nhằm xây dựng một kho dự trữ thuốc đề phòng trường hợp loại virus nguy hiểm này xâm nhập Canada.
Dịch Ebola vẫn đang hoành hành tại Tây Phi. (Nguồn: AP) |
Người đứng đầu ngành y tế công Canada Gregory Taylor nhấn mạnh việc xây dựng kho dự trữ này không chỉ vì lợi ích của Canada mà cũng góp phần vào cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola ở Tây Phi.
Cho đến nay chưa có báo cáo nào về trường hợp nhiễm Ebola ở Canada, song hôm 31/10 vừa qua, nhà chức trách nước này đã thông báo ngừng cấp thị thực cho công dân các nước từ vùng "ổ dịch" ở Tây Phi bao gồm Liberia, Guinea và Sierra Leone.
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thông báo sẽ tăng gấp đôi số nhân viên của tổ chức này hỗ trợ ở vùng dịch lên 600 người. Theo UNICEF, 20% trường hợp nhiễm Ebola là trẻ em, khoảng 4.000 trẻ đã trở thành mồ côi do dịch bệnh này và khoảng 5 triệu trẻ bị ảnh hưởng.
Giới chức UNICEF nhấn mạnh Ebola là thảm họa kép, không chỉ là dịch bệnh do virus mà còn gây sợ hãi và sự thiếu hiểu biết dẫn tới kỳ thị người bệnh trên toàn cầu.
Tại Mỹ, một điều tra mới đây cho thấy gần 75% người dân Mỹ ủng hộ biện pháp cách ly các nhân viên y tế trở về từ vùng "ổ dịch." Điều tra trực tuyến từ ngày 30/10 đến 3/11 do hãng Reuters/Ipsoss tiến hành cho thấy, trong số 1.681 người tham gia, 80% cho rằng việc di chuyển của các nhân viên y tế phải được kiểm soát ngiêm ngặt. Chỉ 25% cho rằng việc cách ly là không cần thiết trong khi 16% mong muốn các nhân viên y tế tự kiểm tra sức khỏe bản thân đồng thời phải được các nhân viên y tế khác kiểm tra.
Hiện giới chức Mỹ đang bất đồng về vấn đề nhân viên y tế trở về từ vùng dịch Ebola. Nhiều bang của Mỹ lo ngại virus lây lan đã quy định cách ly 21 ngày (thời gian ủ bệnh) đối với các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Ebola ở Tây Phi kể cả khi họ không có các dấu hiệu nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama và các chuyên gia y tế chỉ trích biện pháp này, cho rằng những người chưa có các triệu chứng phát bệnh thì chưa thể là nguồn lây truyền bệnh.
Vì những quy định mới nói trên, Tổ chức Thầy thuốc không biên giới cho biết tuần qua, nhiều nhân viên người Mỹ đã quyết định hoãn việc trở về nước và ở lại châu Âu cho đến hết thời hạn 21 ngày.
Trước tình hình dịch bệnh Ebola tại Mỹ, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama sẽ có cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia và y tế vào ngày 4/11. Nội dung cuộc họp tập trung vào các biện pháp phòng chống dịch cũng như các quy định kiểm tra đối với các nhân viên y tế.
Cho đến nay, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của 4.951 người, chủ yếu ở các quốc gia "ổ dịch".