Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Thủ tướng Libya Abdullah al-Thani ngày 29/10 đã tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc đối thoại hòa giải với các nhóm phiến quân đang đẩy quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này đến bên bờ cuộc nội chiến.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Thủ tướng Libya Abdullah al-Thani ngày 29/10 đã tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc đối thoại hòa giải với các nhóm phiến quân đang đẩy quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này đến bên bờ cuộc nội chiến.
Thủ tướng Chính phủ Libya được quốc tế công nhận, ông Abdullah al-Thani. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Phát biểu của ông Thani được đưa ra ngay trước khi nhà lãnh đạo này kết thúc chuyến thăm ba ngày đến Sudan.
Trong tuyên bố của mình, ông Thani nhấn mạnh sẽ mở cánh cửa đối thoại với các nhóm vũ trang với điều kiện tất cả các bên đều phải chịu nhượng bộ.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Libya không nói rõ các điều kiện nhượng bộ cụ thể là gì.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Sudan, Thủ tướng Thani đã có cuộc hội đàm với tổng thống nước chủ nhà Omar al-Bashir và các quan chức cấp cao của nước này về tình hình bất ổn hiện nay.
Ông Thani cũng cáo buộc chính quyền Khartoum đã "hỗ trợ các nhóm khủng bố" tại Libya hồi tháng trước sau khi một chiếc máy bay chở vũ khí của Sudan được cho là đang hướng về Tripoli đã bị phát hiện tại một ốc đảo trên sa mạc Kufra của Libya.
Trong khi đó, phía Sudan đã bác bỏ cáo buộc nói trên và phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang Libya.
Tuy nhiên, vấn đề đã được gác lại khi phát biểu với báo giới tại Khartoum, Thủ tướng Thani tuyên bố Sudan sẽ là nơi tổ chức cuộc gặp hòa giải giữa các bên tại Libya.
Trước đó, ngày 28/10, Ngoại trưởng Sudan cũng nói rằng Thủ tướng Thani đã chấp thuận một kế hoạch do nước này đề xuất nhằm chấm dứt các cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng.
Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng, cũng như sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội.
Từ giữa tháng Bảy, đụng độ leo thang tại thủ đô Tripoli và thành phố cảng Benghazi ở miền Đông giữa các liên minh đối địch đã khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hàng chục nghìn người nước ngoài phải về nước.
Giao tranh ác liệt tại Tripoli khiến cả Quốc hội mới được bầu và được quốc tế công nhận cũng như chính phủ phải chuyển trụ sở về thành phố Tobruk, gần biên giới với Ai Cập.
Bên cạnh đó, cơ quan lập pháp cũ - Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) - không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli với sự hậu thuẫn của phiến quân.
Theo nguồn tin quân sự và y tế, tính đến ngày 29/10, đã có hơn 200 người thiệt mạng trong cuộc giao tranh giữa quân đội Libya được sự hỗ trợ từ lực lượng vũ trang của Tướng về hưu Khalifa Haftar với phiến quân Hồi giáo tại thành phố Benghazi ở miền Đông nước này, kể từ khi quân đội bắt đầu chiến dịch tấn công ngày 15/10.