Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhật-Hàn nhất trí nối lại đàm phán về vấn đề "phụ nữ mua vui"

02:09, 18/09/2014

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 18/9 cho biết các quan chức ngoại giao cấp cao của nước này và Nhật Bản đã nhất trí nối lại đối thoại về vấn đề "phụ nữ mua vui" trong Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Những phụ nữ bị quân đội Nhật bắt ép làm nô lệ tình dục hồi Thế chiến thứ II đòi công lý. (Nguồn: AFP)
Những phụ nữ bị quân đội Nhật bắt ép làm nô lệ tình dục hồi Thế chiến thứ II đòi công lý. (Nguồn: AFP)

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 18/9 cho biết các quan chức ngoại giao cấp cao của nước này và Nhật Bản đã nhất trí nối lại đối thoại về vấn đề "phụ nữ mua vui" trong Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Cuộc đối thoại dự kiến diễn ra ngày 19/9 tại Tokyo, với sự tham gia của Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Sang-Deok và Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara.

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 17/9, Tổng thống Hàn Quốc đã kêu gọi Nhật Bản đưa ra "một quyết định dũng cảm nhằm thực hiện các biện pháp để phục hồi phẩm giá cho các nạn nhân." Bà nhấn mạnh đây là con đường ngắn nhất để giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.

Cuộc đối thoại về vấn đề nô lệ tình dục thời chiến đã được khởi động tại Seoul từ ngày 16/4 vừa qua, khi hai bên nhất trí tổ chức sự kiện này theo định kỳ hàng tháng. Tuy nhiên, các cuộc gặp dự kiến vào tháng 6 và tháng 8 vừa qua đã không được tiến hành.

Hồi tháng 6, Nội các Nhật Bản đã thông báo kết quả việc xem xét lại Tuyên bố Kono - lời xin lỗi chính thức của Chánh văn phòng Nội các Yohei Kono năm 1993 về vụ lạm dụng tình dục thời chiến đối với phụ nữ Hàn Quốc.

Tuyên bố này đã thừa nhận rằng quân đội Nhật Bản tham gia việc tuyển chọn hơn 200.000 phụ nữ trẻ tuổi, hầu hết là người Hàn Quốc, và buộc họ phục vụ trong các nhà chứa của quân đội ở tiền tuyến trong Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Kết quả của việc xem xét lại tuyên bố này cho thấy Hàn Quốc đã can dự vào việc chọn từ ngữ cho lời xin lỗi sau một thỏa thuận chính trị kín. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng không có tư liệu nào là bằng chứng trực tiếp cho thấy quân đội hay các quan chức chính phủ Nhật Bản liên quan trực tiếp đến việc bắt cóc các phụ nữ nói trên.

Cuộc đàm phán hồi tháng 8 đã không diễn ra vì Hàn Quốc phản đối việc Thủ tướng Abe ngày 15/8 gửi đồ cúng đến đền thờ Yasukuni, nơi thờ các cựu chiến binh Nhật Bản, trong đó có cả các tội phạm chiến tranh.

TTXVN/Vietnam+

Tin xem nhiều