Hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra chiến lược cụ thể chống lại sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc ngày 12/9 tuyên bố nước Mỹ đang trong tình trạng "chiến tranh" với nhóm Hồi giáo cực đoan này, nhưng khẳng định cuộc chiến này khác với cuộc chiến ở Iraq trước đó.
Quân đội Mỹ ở Iraq tháng 4/2004. (Nguồn: AP) |
Thận trọng đề cập đến từ "chiến tranh," ông Earnest nêu rõ chiến lược tại Iraq và Syria mà Nhà Trắng theo đuổi chính là làm suy yếu và cuối cùng tiêu diệt IS, điều này hoàn toàn khác với chiến lược trước đây của Mỹ tại Iraq.
Tương tự với tuyên bố trên, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng hải quân John Kirby khẳng định Washington đang trong cuộc chiến với IS và Mỹ sẽ tiếp tục chống Al Qaeda cũng như các nhánh khủng bố của nhóm này.
Liên quan đến các chiến lược cụ thể của Washington chống IS, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong trả lời phỏng vấn báo chí cũng khẳng định Washington đang tham gia cuộc chiến lớn chống khủng bố và đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài.
Cùng ngày, Chính quyền Mỹ đã bổ nhiệm cựu Tư lệnh Mỹ của lực lượng Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan, Tướng John Allen, đảm nhiệm vai trò người đứng đầu chỉ huy nỗ lực quốc tế chống lại các phần tử IS.
Trong một tuyên bố, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết với trọng trách trên, Tướng Allen sẽ hỗ trợ tiếp tục xây dựng, liên kết và đảm bảo liên minh toàn cầu trên mọi chiến tuyến nhằm làm suy yếu và tiêu diệt IS.
Tướng John Allen, 60 tuổi, từng là người đứng đầu lực lượng NATO tại Afghanistan từ tháng 7/2011 đến tháng 12/2013, và là người nắm rõ tình hình địa chính trị tại các nước Afghanistan và Iraq. Trên cương vị mới, vị tướng 4 sao này sẽ không tham gia giám sát các chiến dịch quân sự. Ông có nhiệm vụ yêu cầu viện trợ về khí tài, phương tiện chiến đấu cùng như một số hỗ trợ hậu cần khác cho liên minh quốc tế nói trên.
Trong một diễn liên quan, Tổng thống Iraq Fuad Masum trong trả lời phỏng vấn tờ Asharq al-Awsat cùng ngày cho biết Iran sẽ được mời tham dự một hội nghị quốc tế bàn về các biện pháp chống lại các tay súng thuộc nhóm IS, diễn ra vào ngày 15/9 tới tại Paris (Pháp).
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hội nghị quốc tế nói trên sẽ có sự góp mặt của một số quốc gia trong khu vực như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Jordan, Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Mỹ và một số nước châu Âu.
Tổng thống Masum nhấn mạnh IS hiện không chỉ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với riêng Iraq mà với tất cả các quốc gia Trung Đông khác. Iran hiện đã cử nhiều lực lượng sang chiến đấu bên cạnh quân đội Iraq nhằm giành lại các vị trí đã rơi vào tay IS và ngăn chặn lực lượng Hồi giáo cực đoan này mở rộng phạm vi chiếm đóng lên các khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Washington đã ra tuyên bố phản đối sự hiện diện của Tehran tại hội nghị nói trên. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay ông chưa được thông báo về việc này, tuy nhiên theo ông sự hiện diện của Iran trong hoàn cảnh này và vào thời điểm hiện tại là chưa thích hợp.
Trong khi đó, Phó Tổng Tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Iran Masoud Jazayeri ngày 12/9 tuyên bố Iran và Mỹ không thể hợp tác trong cuộc chiến chống IS.
Kênh truyền hình Press TV của Iran dẫn lời ông Masoud Jazayeri nêu rõ: “Sự hợp tác như vậy là hoàn toàn không thể bởi Iran chống IS trong khi Mỹ thì tạo ra IS”.
Ông Jazayeri đồng thời nhấn mạnh phiến quân IS không cách nào có thể tiếp cận các khu vực biên giới của Iran bởi chúng sẽ đối mặt với sức mạnh của lực lượng vũ trang Iran.
Cùng ngày, Chính phủ Kenya tuyên bố sẽ hợp tác với Mỹ nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố hiện đang tác động đến một số lĩnh vực kinh tế của các quốc gia Tây Phi./.
(TTXVN/VIETNAM+)