Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện lần đầu tiên ở Mosul hồi tháng 7. Ảnh: ALF |
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự hỗn loạn trên toàn cầu. Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói về nó như một "mối nguy hại lớn sắp xảy ra khiến thế giới phải quan tâm". Thượng nghị sĩ James Inhofe khẳng định "chúng ta đang ở tình thế nguy hiểm nhất từ trước tới nay". Trong khi đó, ông John Allen, tướng về hưu lực lượng hải quân Mỹ thậm chí nhìn xa hơn cho rằng "Chiến tranh thế giới thứ ba có thể xảy ra trong tầm tay" dưới ảnh hưởng của IS.
IS là một nhóm kẻ khủng bố giết người man rợ dẫn đầu bởi Abu Bakr al-Baghdadi, theo Brian Michael Jenkins cố vấn cấp cao của tổ chức Nghiên cứu và Phát triển (RAND). Đến nay, vẫn có rất ít thông tin liên quan đến kẻ này. Tên của hắn cũng chỉ là bí danh. Al-Baghdadi trong 8 năm vươn lên từ một binh sĩ jihad hoạt động ngầm trở thành thủ lĩnh của IS. Hắn là chủ mưu gây ra và phát tán nỗi hoảng loạn trong khu vực.
Chỉ trong một đêm, nhóm của al-Baghdadi trở thành kẻ thù số một của quân đội Mỹ sau sự kiện chặt đầu nhà báo James Foley hôm 19/8. Trước khi Mỹ tham gia sâu hơn vào các động thái có thể dẫn tới sự can thiệp quân sự nghiêm trọng vào Iraq, người ta rất cần có một cái nhìn cận cảnh tới IS và các động lực nội tại của nó. Trái với những lý lẽ sáo rỗng, hành động của IS vượt qua mọi mối đe dọa mà nước Mỹ từng chứng kiến, Business Weekbình luận.
Theo các chuyên gia phân tích tình báo, kho vũ khí của al-Baghdadi gồm các xe tăng của Liên Xô cũ, xe quân sự Humvee đời mới của Mỹ, vài khẩu pháo cùng rất nhiều súng máy và súng phóng lựu. Đa phần chúng là chiến lợi phẩm thu giữ được từ các cuộc càn quét.
Tuy nhiên, thứ vũ khí mạnh mẽ nhất của hắn lại chính là truyền thông, thứ khiến tiếng nói IS lan tràn trên mạng Internet, chất đầy trên Youtube và lưu truyền với tốc độ chóng mặt ở Twitter. Hình ảnh khủng khiếp của những vụ chặt đầu, các cuộc hành quyết được ghi lại chuyên nghiệp và đăng tải lên mạng. Sự tàn bạo phục vụ cho mục đích duy nhất: Làm đối phương hoảng hốt và khiếp sợ. Chiến thuật này phản ánh con người và âm mưu của kẻ lãnh đạo.
Al-Baghdadi duy trì sự hiện diện của mình trước cộng đồng với hình tượng đầy bí ẩn, được xây dựng công phu và cẩn thận. Điều này giúp hắn thu hút sự chú ý của những kẻ cuồng tín, thanh niên gặp khó khăn trong cuộc sống, những tên ưa bạo lực từ khắp nơi trên thế giới. Nước cờ này biến IS thành lực lượng đáng sợ của những kẻ cực đoan.
Cái tên Nhà nước Hồi giáo mà al-Baghdadi tự đặt cho nhóm của mình thể hiện tham vọng lãnh thổ to lớn. Trước khi hình thành như hiện tại, lực lượng này đi từ Nhà nước Hồi giáo của Iraq tới Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và mở rộng sang Syria, Lebanon, Palestine, Israel cùng một phần Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) làm giàu bằng hành vi gieo rắc tội ác. Ảnh: AFP |
Trong một lần xuất hiện hiếm hoi ở Mosul, al-Baghdadi đưa ra bài diễn thuyết kiểu như diễn văn nhậm chức. Đội khăn xếp và mặc áo choàng đen để khẳng định mình là hậu duệ của Muhammad, hắn tuyên bố sự khôi phục của Đế chế Hồi giáo.
Al-Baghdadi ngụ ý hiện thân của hắn là sự kế thừa đấng tiên tri, mang quyền uy của thế lực tôn giáo tối cao, và là thủ lĩnh chính trị của hơn 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Al-Baghdadi chỉ phục tùng trước Thượng Đế, vì thế người Hồi giáo phải phục tùng trước al-Baghdadi, y cho là như vậy.
Học giả Hồi giáo truyền thống cho rằng tuyên bố này quá kiêu ngạo và vi phạm nghiêm trọng luật Hồi giáo. Ngay cả thủ lĩnh khủng bố trước kia là Osama bin Laden cũng chưa dám phát ngôn như vậy.
Hoạt động của IS được duy trì dựa trên một đế chế tội ác. Theo báo cáo mới đây của RAND, IS kiếm khoảng một triệu USD mỗi ngày, chủ yếu từ việc cướp ngân hàng, tịch thu hay ăn cắp các loại máy móc, thiết bị xây dựng, xe cộ rồi bán lại, chiếm đoạt tài sản của dân chúng bỏ trốn.
Ngoài ra nguồn thu từ việc bán cổ vật chúng cướp từ những ngôi đền, chốn thờ cúng linh thiêng của người theo đạo cũng rất lớn. Hồ sơ giao dịch tài chính bị phát hiện gần đây cho thấy chỉ riêng ở một khu vực nhỏ tại Syria, IS bỏ túi khoảng 36 triệu USD nhờ buôn lậu cổ vật.
Tiền chuộc từ các vụ bắt cóc, tiền thu được nhờ hành vi bảo kê, tống tiền, các loại thuế đánh vào người dân dưới quyền khiến IS trở nên giàu mạnh thêm. Chúng còn nắm quyền kiểm soát vài mỏ dầu nhỏ ở Iraq, một nhà máy lọc dầu ở Syria, hầu hết là do đánh chiếm và cướp được. Các cơ sở này cho phép IS thực hiện các phi vụ buôn dầu lậu, bổ sung nhiều triệu USD vào kho tàng.
Đóng góp từ người ủng hộ ở nước ngoài chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thu nhập của IS. Phương thức tự cung tự cấp khiến nhóm linh động hơn nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu.
Lượng tiền kiếm được không ổn định và chủ yếu từ hành vi cướp bóc, vì thế IS phải liên tục mở rộng phạm vi hoành hành. Khi ngân hàng trống rỗng, doanh nghiệp không còn gì để lấy, IS buộc phải gia tăng hành vi bắt cóc, tống tiền, vắt kiệt dân chúng. Điều này sẽ thúc đẩy những người bị chúng áp bức vùng lên. Kẻ thù của IS dễ dàng đẩy nhanh quá trình này bằng cách tấn công những nguồn tiền dễ thấy và dễ bị ảnh hưởng của IS, ví dụ như các mỏ dầu.
(Theo Business Week)