Trong cuộc họp ngày 21/8, Ủy ban Chính sách đối ngoại của Quốc hội Đan Mạch đã thông qua quyết định tham gia thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu.
Trong cuộc họp ngày 21/8, Ủy ban Chính sách đối ngoại của Quốc hội Đan Mạch đã thông qua quyết định tham gia thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trdefence.com) |
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Nicolai Wammen cho biết quyết định trên không liên quan đến cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine
Ông Wammen đồng thời khẳng định việc Copenhagen tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu không có mục đích chống lại Nga và chỉ nhằm tự bảo vệ khỏi nguy cơ tấn công từ các quốc gia, các tổ chức khủng bố và những đối tượng có khả năng tấn công tên lửa vào châu Âu và châu Mỹ.
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã thể hiện sự hài lòng trước quyết định trên của Đan Mạch, đồng thời khẳng định đây là quyết định quan trọng nhằm tăng cường sức mạnh cho liên minh.
Tuy nhiên, quyết định gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu của Đan Mạch cũng vấp phải sự phản đối của một số chính đảng nước này, như đảng Nhân dân xã hội chủ nghĩa và liên minh Xanh-Đỏ.
Ngoài ra, trong cuộc họp Ủy ban Chính sách đối ngoại Quốc hội Đan Mạch cũng đã thông qua quyết định cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Iraq chống lại các phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Martin Lidegaard, Đan Mạch sẽ gửi vũ khí hạng nhẹ, đạn dược cho Chính phủ Iraq và lực lượng người Kurd ở miền Bắc nước này bằng máy bay vận tải Gerkules, cũng như hàng viện trợ nhân đạo cho những người mất nhà cửa đang sống hết sức chật vật kể từ khi phiến quân IS mở các cuộc tấn công dữ dội ở miền Bắc và miền Tây Iraq hồi tháng Sáu vừa qua. Sẽ có 55 binh sỹ Đan Mạch hộ tống máy bay này.
Ông Lidegaard khẳng định hoạt động quân sự của Đan Mạch sẽ bị hạn chế. Copenhagen sẽ thực hiện công tác vận chuyển chứ không gửi máy bay chiến đấu F-16 hay lực lượng lục quân đến Iraq.
Hoạt động này của Đan Mạch được các chính đảng, trừ liên minh Xanh-Đỏ, ủng hộ. Tuy nhiên, quyết định trên còn cần phải được Quốc hội Đan Mạch thông qua, dự kiến vào ngày 27/8 tới.