Ngày 18-6, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cam kết "đương đầu với chủ nghĩa khủng bố", đồng thời khẳng định lực lượng an ninh nước này, vốn bị suy yếu do cuộc tấn công lớn của phiến quân, đã phải "rút lui" song không thất bại.
Ngày 18-6, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cam kết "đương đầu với chủ nghĩa khủng bố", đồng thời khẳng định lực lượng an ninh nước này, vốn bị suy yếu do cuộc tấn công lớn của phiến quân, đã phải "rút lui" song không thất bại.
Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki (giữa) trong chuyến thị sát thành phố Samarra bị phiến quân tấn công, ngày 13/6.(Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố của ông Maliki, ngày 18-6, phiến quân có liên hệ với lực lượng Hồi giáo cực đoan tự xưng "Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant" (ISIL) đã chiếm thêm 3 ngôi làng gồm Albu Hassan, Birwajli và Bastamli thuộc tỉnh Salaheddin, miền Bắc nước này. Giao tranh giữa phiến quân và lực lượng an ninh tại các khu vực này đã làm 20 dân thường thiệt mạng.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết 40 công nhân xây dựng người Ấn Độ đã bị bắt cóc tại miền Bắc Iraq. Nhóm công nhân này đang làm việc cho một công ty xây dựng ở thành phố Mosul hiện nằm dưới sự chiếm giữ của phiến quân. Hiện chưa rõ lực lượng nào đứng đằng sau vụ bắt cóc này.
Trước đó, ngày 17-6, khoảng 60 công nhân xây dựng nước ngoài, trong đó có 15 công dân Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị phiến quân bắt cóc Ngoài các công nhân người Thổ, số người bị bắt cóc còn lại đến từ Pakistan, Bangladesh, Turkmenistan và Nepal. Những người này bị bắt cóc khi đang tìm cách di chuyển từ thị trấn Dor, nơi họ đang xây dựng một bệnh viện, đến thành phố Sulaymaniyah ở miền Bắc Iraq. Trước đó, các tay súng ISIL đã bắt cóc khoảng 49 người thuộc Tổng lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Mosul và 31 tài xế xe tải sau khi chiếm được thành phố này hôm 9-6.
Ngày 18-6, Chánh Văn phòng Phủ tổng thống Iran, ông Mohammad Nahavandian cho biết Tehran có thể xem xét khả năng hợp tác với Mỹ về cuộc khủng hoảng tại Iraq nếu cuộc đàm phán xung quanh chương trình hạt nhân của Iran thành công.
(Theo CNN)