Trong bối cảnh tình hình an ninh tại Iraq ngày càng xấu đi kể từ khi các phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) phát động các cuộc tấn công đánh chiếm một loạt thành phố và thị trấn của nước này trong hai tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cam kết mạnh mẽ Washington hỗ trợ Baghdad nhưng hối thúc lãnh đạo nước này phải gạt bỏ những chia rẽ giáo phái để cùng tìm kiếm một giải pháp chính trị lâu dài.
Trong bối cảnh tình hình an ninh tại Iraq ngày càng xấu đi kể từ khi các phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) phát động các cuộc tấn công đánh chiếm một loạt thành phố và thị trấn của nước này trong hai tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cam kết mạnh mẽ Washington hỗ trợ Baghdad nhưng hối thúc lãnh đạo nước này phải gạt bỏ những chia rẽ giáo phái để cùng tìm kiếm một giải pháp chính trị lâu dài.
Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki (phải) hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) tại Baghdad ngày 23/6. (Nguồn: AFP/ TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phát biểu với báo giới tại Baghdad ngày 23/6 sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Iraq, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố Mỹ sẽ hỗ trợ Iraq một cách “mạnh mẽ và liên tục” trong cuộc chiến chống lại các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni thuộc ISIL.
Tuy nhiên, điều kiện đi kèm là các nhà lãnh đạo Iraq có những bước đi cần thiết để giữ cho đất nước không bị chia cắt.
Một trong những bước đi này, theo Ngoại trưởng Kerry, là Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã nhiều lần khẳng định lại cam kết từ ngày 1/7 tới sẽ bắt đầu tiến trình thành lập một chính phủ mới, trong đó sẽ người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd sẽ được tham gia nhiều hơn.
Ông Kerry cho rằng Iraq đang đứng trước nguy cơ bị chia cắt và tương lai của đất nước Vùng Vịnh này là tùy thuộc vào những lựa chọn của các nhà lãnh đạo Iraq trong những ngày tới.
Trong khi đó, Nhà Trắng cùng ngày cũng cho biết trong một công hàm ngoại giao gửi Washington, chính quyền của Thủ tướng al-Maliki đã cam kết cho phép các binh lính thuộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ triển khai tại Iraq theo lệnh của Tổng thống Barack Obama được hưởng tất cả các quyền miễn trừ, gồm cả việc không bị bắt giữ hoặc xét xử theo luật pháp Iraq.
Đây cũng là điều kiện Mỹ đặt ra năm 2011 nhưng Iraq không chấp nhận, dẫn tới quyết định của chính quyền Obama rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi cuộc chiến này, bỏ Iraq rơi vào cuộc chiến giáo phái suốt từ đó tới nay.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh thỏa thuận vừa đạt được giữa hai nước giúp cung cấp những đảm bảo pháp lý thích hợp để bảo vệ các quân nhân Mỹ trong khi thực hiện nhiệm vụ cố vấn tại quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng cho biết thỏa thuận trên sẽ giúp Mỹ nhanh chóng thành lập các đội cố vấn quân sự đầu tiên nhằm giúp các lực lượng của Iraq đối phó với các phiến quân người Sunni thuộc ISIL.
Trước đó, ngày 19/6, Tổng thống Obama thông báo sẽ cử 300 cố vấn quân sự tới giúp Iraq, song bác bỏ khả năng đưa lực lượng chiến đấu trở lại tham chiến ở quốc gia Vùng Vịnh này.
Đội ngũ cố vấn này sẽ nghiên cứu cách thức đào tạo và tăng cường trang bị cho các lực lượng Iraq.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẵn sàng thiết lập các trung tâm tác chiến hỗn hợp tại thủ đô Baghdad và miền Bắc Iraq nhằm chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp các kế hoạch chống lại mối đe dọa khủng bố từ phía tổ chức ISIL.
Theo ông Obama, thông qua quỹ hợp tác chống khủng bố mà Mỹ mới thành lập, Chính phủ của ông sẵn sàng phối hợp với Quốc hội để cung cấp bổ sung các thiết bị cho Iraq.
Ông chủ Nhà Trắng đồng thời khẳng định Mỹ có lợi ích trong việc ngăn chặn Iraq trở thành thiên đường mới của bọn khủng bố.