Trong một tuyên bố của Chính phủ Đức trước Quốc hội nước này hồi đầu năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định "Đức khó có thể tìm kiếm một đốt tác nào tốt hơn Mỹ." Tuyên bố này được đưa ra bất chấp những xích mích từ trước đó giữa hai nước liên quan vụ bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Ukraine và TTIP sẽ là trọng tâm thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel (Nguồn: DPA) |
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Ukraine, trọng tâm của chuyến thăm không phải để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng liên quan NSA hay hợp tác tình báo, mà là vấn đề Ukraine và những biện pháp đáp trả Nga trong trường hợp nước này tiếp tục "không chịu" làm dịu tình hình.
Là những "người bạn," như cách nói của bà Merkel, thì Đức hay châu Âu nói chung và Mỹ không phải luôn tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các diễn biến liên quan vấn đề Ukraine.
Ngay từ khi xảy ra khủng hoảng, Mỹ đã chủ trương "rắn" với Nga, trong khi châu Âu, mà Đức được xem là người dẫn lối và chi phối lớn nhất, lại muốn một cách tiếp cận song hành, đó là đe doạ đi kèm với đối thoại. Đặc biệt việc Mỹ gia tăng áp lực nhằm cô lập Nga đã đẩy châu Âu vào tình thế khó xử, bởi Brussels cảm thấy lo ngại về chiến lược mới này và nếu đi theo sẽ rất khó khăn khi muốn thúc đẩy đổi thoại với Moskva.
Thực tế, khi nói về trừng phạt, Mỹ dễ dàng hơn rất nhiều so với châu Âu, bởi họ không phụ thuộc nhiều về kinh tế với Moskva như châu Âu và họ cũng không chịu nhiều thiệt hại nếu áp dụng biện pháp cứng rắn với Nga. Trong khi đó, mọi biện pháp trừng phạt sẽ chỉ có hiệu quả tối đa nếu được sự đồng thuận của cả Mỹ và châu Âu (như trường hợp đối với Iran).
Một châu Âu ôn hòa dưới ngọn cờ của Đức đã khiến Mỹ phải đắn đo và trong bối cảnh đó, Obama cũng không dại "đơn phương độc mã," điều có thể gây rạn nứt cho mối quan hệ giữa các đồng minh phương Tây.
Chuyến công du Mỹ và cuộc thảo luận với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng của Thủ tướng Merkel lần này chắc chắn sẽ lấy Ukraine làm trọng tâm. Mục đích chính là tìm kiếm một chủ trương chung với các kịch bản có thể xảy ra để ứng phó kịp thời và cương quyết trước mọi diễn biến ở Ukraine.
Biện pháp trừng phạt cấp độ ba (về kinh tế) có thể sẽ là chiêu cuối cùng của phương Tây đối với Nga nếu tình hình Ukraine tiếp tục leo thang nghiêm trọng hơn. Tất nhiên, EU không muốn điều đó và đang làm mọi thứ có thể để tránh phải đi tới một quyết định như vậy.
Trong chuyến thăm Mỹ, một trong những sứ mệnh của quan trọng nữa của bà Merkel là Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Thủ tướng Merkel dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Phòng Thương mại Mỹ về mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương, trong đó Đức chủ trương kết thúc các cuộc đàm phán về thoả thuận TTIP vào cuối năm 2015.
Ukraine và TTIP sẽ là hai chủ đề trọng tâm trong chuyến công du Mỹ của bà Merkel. Tuy nhiên, với người dân Đức, họ muốn biết bà Merkel sẽ nói gì về vụ bê bối nghe lén của NSA với Tổng thống Mỹ Obama khi mà trước đó bà đã khẳng định "nghe lén giữa những người bạn là điều không thể chấp nhận."
Chính phủ Đức nhìn nhận đây là một chủ đề phức tạp, cần có thêm thời gian, trong khi giới phân tích cho rằng hai bên khó có thể được tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này và ngay cả hiệp định "không do thám nhau" mà Berlin khởi xướng cũng khó có thể được bàn tới. Bản thân bà Merkel cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào việc có thể làm sáng tỏ hành động nghe lén của NSA trong chuyến công du Mỹ khi mà còn quá nhiều việc quan trọng hơn cần giải quyết.
Ngoài những vấn đề trên, dự kiến lãnh đạo hai nước cũng sẽ thảo luận về các cuộc đàm phán với Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo, về tình hình Syria, Afghanistan và Trung Đông.
Bên cạnh đó, ông Obama và bà Merkel cũng sẽ thảo luận về tình hình châu Á sau khi nhà lãnh đạo Mỹ vừa kết thúc chuyến công du kéo dài 8 ngày ở châu Á, trong khi Thủ tướng Đức cũng vừa tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản./.
(VIETNAM+)