Nhân dịp tưởng niệm lần thứ 28 năm ngày xảy ra thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (26/4/1986-2014), ngày 25/4, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, các Phái đoàn đại diện thường trực của Nga, Ukraine và Belarus tại Liên hợp quốc đã ra tuyên bố chung về thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Nhân dịp tưởng niệm lần thứ 28 năm ngày xảy ra thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (26/4/1986-2014), ngày 25/4, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, các Phái đoàn đại diện thường trực của Nga, Ukraine và Belarus tại Liên hợp quốc đã ra tuyên bố chung về thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Người dân Ukraine thắp nến, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân Chernobyl tại Slavutich, cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 50km. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ba nước coi thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl là bài học không bao giờ quên của nhân loại, và kêu gọi nêu cao cảnh giác trong việc tăng cường an ninh hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.
Ba nước trên cho biết họ đã trải qua 28 năm chịu đựng hậu quả nặng nề của vụ thảm họa. Với sự cố gắng to lớn của mỗi nước, cùng với sự giúp đỡ của công đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, hậu quả của vụ thảm họa khủng khiếp này đã được khắc phục đáng kể, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Ba nước đánh giá cao Nghị quyết 68/99 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc tăng cường sự hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và khắc phục hậu quả tai hại của thảm họa Chernobyl, và hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ có những cách tiếp cận mới để đưa ra chương trình tiếp tục khắc phục hậu quả của vụ này sau năm 2016, khi tròn 30 năm sau thảm họa.
Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lên tiếng bày tỏ thông cảm và chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân ở Nga, Ukraine và Belarus.
Ông Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác, có những đóng góp xứng đáng để tiếp tục khắc phục những hậu quả tai hại của thảm họa khủng khiếp này.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong thông điệp trên, ông Ban Ki-moon khẳng định trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc chia sẻ nỗi đau với hàng trăm nghìn nạn nhân, tiếp tục hợp tác, giúp đỡ hàng triệu người khác đang phải sinh sống trong những vùng bị ảnh hưởng từ thảm họa Chernobyl ở Nga, Ukraine và Belarus, đồng thời giúp đỡ các địa phương này làm sạch môi trường, khắc phục triệt để mọi hậu quả từ thảm họa này.
Ông nhấn mạnh vai trò to lớn của Liên hợp quốc trong việc giúp đỡ nhân dân các vùng bị nạn ngay từ khi thảm họa vừa xảy ra, và đánh giá cao sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 68/99 do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua về chương trình hành động nhằm khắc phục hậu quả của thảm họa Chernobyl đến năm 2016.
Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon cho rằng hiện vẫn còn quá nhiều việc phải làm, và các nạn nhân của thảm họa Chernobyl đang vẫn rất cần những sự giúp đỡ to lớn hơn nữa từ cộng đồng quốc tế.
Vì vậy, ông kêu gọi các quốc gia, các cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chia sẻ, hợp tác giúp đỡ các nạn nhân của vụ trên sau năm 2016.
Liên quan tới vấn đề này, ông hoan nghênh sáng kiến tổ chức một hội nghị quốc tế giúp khắc phục thảm họa Chernobyl vào tháng Năm tới tại Belarus.