Lá quốc kỳ Ukraine chưa bao giờ có thể bay cao thật sự ở Sevastopol và cảng biển nổi tiếng của thành phố này chính là cảng nhà của Hạm đội Biển Đen thuộc Nga suốt từ thời các Sa hoàng.
Lá quốc kỳ Ukraine chưa bao giờ có thể bay cao thật sự ở Sevastopol và cảng biển nổi tiếng của thành phố này chính là cảng nhà của Hạm đội Biển Đen thuộc Nga suốt từ thời các Sa hoàng.
Trong bối cảnh hiện giờ, trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về khả năng Crimea sáp nhập vào Nga, những người dân ở đây đang nóng lòng chờ ngày thấy lá cờ Nga bay phấp phới.
Quốc kỳ Nga luôn phấp phởi ở Sevastopol (Nguồn: AFP) |
Ở thành phố 350.000 dân này, nơi các quảng trường và đường phố được đặt theo tên những người anh hùng trong cuộc chiến tranh Crimea hay của Liên bang Xô Viết, việc Ukraine được độc lập năm 1991 vẫn là nỗi ám ảnh không dễ chịu.
Vì thế, khi chính quyền của tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ tháng trước, hàng chục nghìn người đã xuống đường, tuần hành ở quảng trường trung tâm thành phố và đề cử một doanh nhân thân Moskva, Alexei Chaly, lên làm tân thị trưởng.
“Những công dân Sevastopol đã quyết định cắt đứt quan hệ với những kẻ côn đồ, tội phạm và bọn phát-xít đã tiếm quyền tại Kiev”, Ivan Komelov, một cố vấn của ông Chaly, nói với hãng tin AFP.
“Không ai nghi ngờ chút nào về kết quả” của cuộc trưng cầu dân ý dự kiến tổ chức ngày 16/3 tới ở Crimea để sát nhập vùng lãnh thổ này vào Nga, theo lời ông Komelov. “Trong 23 năm độc lập, Ukraine chẳng làm được gì cho chúng tôi. Kiev lấy tiền của chúng tôi và chỉ có thế. Khi người dân Sevastopol được quyền có tiếng nói, chúng tôi hy vọng rằng đất mẹ Nga sẽ trả lời và đưa chúng tôi trở về lại sự bảo bọc của người”.
Chaly, một doanh nhân thành đạt trong ngành điện tử, nổi tiếng ở Sevastopol vì đã bỏ tiền phục dựng các tượng đài vinh danh những anh hùng Nga ở đây.
Trong số đó có Vladimir Kornilov, viên đô đốc nổi tiếng người Nga đã chỉ huy cuộc phòng thủ Sevastopol trước liên quân Anh-Pháp-Ottoman trong cuộc vây hãm thành phố kéo dài 346 ngày ở giai đoạn cao trào của cuộc chiến tranh Crimea những năm 1854-55.
Những từ cuối cùng nổi tiếng của Kornilov, “Quyết tử vì Sevastopol!”, được nhắc lại vào cuối tuần này trong một cuộc mít-tinh thân Nga ở thành phố. Những tiếng hô “nước Nga! Nước Nga” từ đám đông vang lên khi nghệ sĩ Nadezhda Babkina trong bộ đồ Nga truyền thống ca hát và nhảy múa.
Trong số những người đến dự có Pavel Filipov, 47 tuổi, mặc một chiếc áo trùm đầu với dòng chữ “Đội tuyển quốc gia Nga” bằng tiếng Anh. “Tôi đã chờ đời giờ phút này trong nhiệp thập kỷ”, ông nói. “Chúng tôi sẽ được trở về nhà, cuộc bỏ phiếu ở đây sẽ là 100% ủng hộ Nga”.
Vợ ông, bà Olga 46 tuổi, nhớ lại thời kỳ Xô viết khi thành phố này và những cơ sở quân sự bí mật xung quanh khép kín với người nước ngoài. “Chúng tôi có hòa bình và an ninh, chúng tôi để chìa khóa dưới thảm chùi chân ngoài nhà, trẻ con chơi đùa ngoài đường. Như thế mới tốt”, bà nói.
Một tour du ngoạn thành phố sẽ cho thấy vai trò quan trọng của Sevastopol trong lịch sử nước Nga. Một “thành phố anh hùng” dưới thời Liên Xô, Sevastopol là nơi 250.000 binh sĩ Hồng quân đã ngã xuống khi các lực lượng Đức chiếm đóng thành phố này trong cuộc vây hãm đẫm máu năm 1942.
Lác đác có những cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và ủng hộ sáp nhập vào Nga ở Sevastopol (Nguồn: AFP) |
Không ai nhìn thấy lá cờ vàng-xanh của Ukraine.
Ngồi trên ghế trong một công viên là Anna và Larissa, hai phụ nữ đã vào tuổi 60. Họ sẽ “vui lòng” bỏ phiếu để Crimea gia nhập Nga vào ngày 16/3, Anna nói (cả hai đều không muốn tiết lộ họ của mình).
“Ukraine là một nước quá nghèo. Mọi thứ tốt đẹp hơn với chúng tôi khi còn dùng đồng rúp”, Komelov nói ở tòa thị chính.
“Nga là một nước giàu và hùng mạnh, Ukraine sẽ chẳng bao giờ như thế. Tất nhiên có những người Ukraine không đồng ý với chúng tôi sẽ được phép ở lại đây. Họ như những người nước ngoài khác sống ở Nga”./.
Vietnam+