Ngày 13-3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bắt đầu phiên họp khẩn cấp nhằm thảo luận tình hình Ukraine với sự tham dự của Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk.
Ngày 13-3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bắt đầu phiên họp khẩn cấp nhằm thảo luận tình hình Ukraine với sự tham dự của Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk. Tại đây, ông Yatsenyuk và đại diện nhiều nước phương Tây tiếp tục kêu gọi Nga ngồi vào đàm phán.
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman đã báo cáo trước hội đồng về tình hình ở CH tự trị Crimea thuộc Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng tất cả các bên cần tránh những hành động đơn phương có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và cùng nhượng bộ.
Trong khi đó, Thủ tướng tạm quyền Yatsenyuk khẳng định các bên vẫn có cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine một cách hòa bình. Chính khách này kêu gọi Nga chấp nhận tham gia đàm phán và tránh các hành động chính quyền mới tại Kiev và phương Tây cho là "xâm lược quân sự". Trong trường hợp Moskva từ chối, tình hình có thể tiếp tục diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh toàn cầu, đặc biệt cản trở các nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.
Đại sứ Anh tại LHQ Mark Lyall Grant nhấn mạnh sẽ là "nguy hiểm và vô trách nhiệm nếu Nga tiếp tục hành động đơn phương hay hỗ trợ các hành động đơn phương của chính quyền Crimea".
Đáp lại tuyên bố trên, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin nhấn mạnh Nga và người dân Nga đều "không mong muốn chiến tranh". Tuy nhiên, ông tái khẳng định lập trường của Moskva rằng cuộc trưng cầu ý dân ở bán đảo Crimea thuộc Ukraine "bắt nguồn từ khoảng trống pháp lý của khu vực này" và là hệ quả của “hành động vi hiến lật đổ chính phủ ở Kiev”. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga không khởi xướng cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay và cuộc khủng hoảng này mang tính chất nội bộ. Vì thế, Kiev cũng như phương Tây không thể đổ lỗi cho Moskva về những diễn biến tại nước CH tự trị Crimea.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết nhằm gia tăng sức ép với Nga, Mỹ đã soạn một dự thảo nghị quyết yêu cầu HĐBA lên án cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16-3 tới tại Crimea về kế hoạch sáp nhập vào Nga. Được biết Mỹ đã phân phát văn kiện này tới các thành viên và muốn đưa dự thảo nghị quyết này ra bỏ phiếu tại HĐBA trước ngày 16-3.
Trong khi đó, phát biểu tại phiên điều trần trước quốc hội cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng cuộc trưng cầu dân ý về quy chế của Bán đảo Crimea là vi phạm hiến pháp Ukraine, luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Ngoại trưởng tuyên bố nếu tình hình Ukraine không có dấu hiệu nào về khả năng tiến triển và giải quyết, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ đáp trả Nga bằng “một loạt bước đi cứng rắn”, trong đó bao gồm cả các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, ông Kerry cũng bày tỏ hy vọng sẽ tránh được những bước đi như vậy, thông qua cuộc thảo luận với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào ngày 14-3 tại thủ đô London của Anh.
(Theo AP, TTXVN)