Ngày 5-3, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko đã kêu gọi các nước phương Tây từ bỏ ngôn từ đe dọa và chuyển sang đối thoại với Nga về tình hình Ukraine.
* Nga không đồng ý đàm phán với chính quyền lâm thời tại Ukraine
Ngày 5-3, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko đã kêu gọi các nước phương Tây từ bỏ ngôn từ đe dọa và chuyển sang đối thoại với Nga về tình hình Ukraine.
Toàn cảnh phiên họp của HĐBA LHQ tại New York ngày 3/3 nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Ảnh: AFP-TTXVN |
Phát biểu với báo giới sau phiên họp toàn thể, Chủ tịch Thượng viện Nga nhấn mạnh đe dọa sẽ không hiệu quả trong thế giới hiện nay mà cần phải chuyển đối thoại. Hiện nền kinh tế của Nga đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, khó có thể cô lập Nga. Theo bà Matvienko, thị trường Nga đang tiêu thụ 40% hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và 50% xuất khẩu của Nga vào các nước EU, vì vậy việc áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga sẽ gây ra thiệt hại kinh tế to lớn cho cả hai bên.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố ông không muốn căng thẳng chính trị làm xấu đi hợp tác kinh tế với “các đối tác truyền thống” của nước này và bày tỏ hy vọng tránh để tranh cãi gay gắt với phương Tây về vấn đề Ukraine đi quá giới hạn.
Nhằm tránh leo thang căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine, Phát biểu trên kênh truyền hình "Sky News", Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố London và Washington đang cố gắng dàn xếp một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp tạm quyền Ukraine Andriy Deshchytsya vào tối ngày 5-3 tại Paris (Pháp). Ông nhấn mạnh cả Mỹ và Anh đều muốn Ukraine và Nga thảo thuận việc thực hiện Thỏa thuận Budapest do Anh, Nga, Mỹ và Ukraine ký năm 1994. Tuy nhiên, các nỗ lực này của phương Tây đã thất bại do Nga không đồng ý tham gia đàm phán với chính quyền lâm thời tại Ukraine.
Cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Thủ tướng tạm quyền nước này Arseniy Yatsenyuk ngày 5-3 khẳng định rằng Crimea vẫn phải là một phần thuộc Ukraine, song có thể được hưởng thêm các quyền cục bộ khác.
(Theo RIA Novosti, BBC)