Báo Đồng Nai điện tử
En

Tân Thủ tướng Italy cam kết cải cách trong vòng 100 ngày

09:02, 18/02/2014

Thủ tướng mới được chỉ định Matteo Renzi tuyên bố đã vạch ra một chương trình làm việc nhằm tiến hành những cải cách cần thiết để đưa Italy ra khỏi khủng hoảng, trong đó có cải cách luật bầu cử, thị trường lao động, cải cách hành chính công và thuế.

Thủ tướng mới được chỉ định của Italy Matteo Renzi. (Nguồn: THX/TTXVN)
Thủ tướng mới được chỉ định của Italy Matteo Renzi. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thủ tướng mới được chỉ định Matteo Renzi tuyên bố đã vạch ra một chương trình làm việc nhằm tiến hành những cải cách cần thiết để đưa Italy ra khỏi khủng hoảng, trong đó có cải cách luật bầu cử, thị trường lao động, cải cách hành chính công và thuế.

Các cải cách này sẽ được đưa ra lần lượt từng tháng một, từ cuối tháng Hai cho đến tháng Năm, tổng cộng trong vòng 100 ngày.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông Renzi được Tổng thống Italy Giorgio Napoletano chỉ định đứng ra thành lập Nội các mới sáng 17/2, hai ngày sau khi Thủ tướng Enrico Letta từ nhiệm và giải tán Chính phủ.

Trong bài phát biểu với báo chí sau khi được chỉ định làm Thủ tướng mới, ông Renzi khẳng định ông hy vọng sẽ tiến hành cải cách luật bầu cử trước và mong muốn Chính phủ sẽ hoạt động hết nhiệm kì vào năm 2018.

Ông cho biết sẽ tiến hành trao đổi với các đảng phái chính trị nhằm soạn thảo một chương trình hành động cho Chính phủ mới và thành lập một Nội các mới.

Thị trường Italy đã phản ứng tích cực với việc ông Renzi được bổ nhiệm. Giá trái phiếu 10 năm của Chính phủ Italy đã giảm xuống 3,6%, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 1/2006, trong khi biên độ trái phiếu 10 năm của Italy và Đức đã giảm xuống còn 191 điểm.

Các con số này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng Italy vượt qua cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II đã tăng lên.

Hôm 14/2, sau khi ông Letta từ chức và ông Renzi trở thành ứng viên số một cho chức Thủ tướng, thị trường chứng khoán Milan đã đạt điểm cao nhất kể từ năm 2011. Nhưng phản ứng của các nhà quan sát là khá trái ngược.

Đánh giá về ông Renzi và các cải cách của ông, nhất là về kinh tế, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, nói với hãng tin ANSA rằng ông tin ông Renzi sẽ lãnh đạo đất nước Italy thành công nhờ sự "năng động" và "dám nghĩ dám làm."

Từ Brussels, ông Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), đã hối thúc ông Renzi phải "nhanh chóng thành lập chính phủ mới, bảo đảm sự ổn định chính trị để thực thi các quyết sách kinh tế."

Cao ủy Châu Âu phụ trách kinh tế và tiền tệ, ông Olli Rehn nhấn mạnh Italy cần tiếp tục tôn trọng Hiệp ước về ổn định và tăng trưởng mà EU đã đưa ra, trong đó có việc duy trì giới hạn nợ công 3% so với GDP.

Theo ông Rehn, Italy cần phải cắt giảm nợ công, vốn ở mức 133% GDP, cao thứ nhì EU sau Hy Lạp, khắc phục tình trạng quan liêu, giảm chi phí lao động, tăng năng lực sáng tạo và nghiên cứu.

Trong khi đó, hãng đánh giá tín dụng hàng đầu thế giới Fitch khẳng định vẫn giữ nguyên đánh giá tiêu cực về tình trạng kinh tế Italy, với mức xếp hạng BBB+.

Trong một tuyên bố đưa ra ở Roma hôm 17/2, Fitch cho rằng Thủ tướng mới được chỉ định Renzi "có lẽ sẽ phải đối đầu với những vấn đề tương tự như những người tiền nhiệm".

Fitch nêu rõ việc ông Letta từ chức hôm 14/2 cho thấy tình trạng "mong manh" của nền chính trị Italy.

TTXVN

 

Tin xem nhiều