Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghị viện châu Âu bác đề xuất của Anh về nhập cư

09:01, 13/01/2014

Trong phản hồi mới nhất trước yêu cầu của chính giới Anh về việc sửa đổi Hiệp ước Liên minh châu Âu (EU), trong đó có quy định về chính sách nhập cư, các nhà lãnh đạo Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/1 khẳng định các quy định về quyền tự do di chuyển giữa các nước thành viên là điều không thể thương lượng và bất cứ ý định nào muốn "viết lại" quy định này đều sẽ bị chặn lại.

Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)
Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Trong phản hồi mới nhất trước yêu cầu của chính giới Anh về việc sửa đổi Hiệp ước Liên minh châu Âu (EU), trong đó có quy định về chính sách nhập cư, các nhà lãnh đạo Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/1 khẳng định các quy định về quyền tự do di chuyển giữa các nước thành viên là điều không thể thương lượng và bất cứ ý định nào muốn “viết lại” quy định này đều sẽ bị chặn lại.

Chủ tịch EP Martin Schulz nêu rõ EP đã xem xét "rất nghiêm túc" yêu cầu của Anh nhưng chắc chắn sẽ không đồng ý sửa lại quy định về quyền tự do di chuyển trong EU. Theo ông, quy định này là một trong những thành quả lớn nhất mà EU đạt được, là nguyên tắc cơ bản và "không thể thương lượng.”

Bất kỳ thay đổi nào trong hiệp ước cũng cần phải nhận được sự ủng hộ và nhất trí của tất cả các nước thành viên, đồng thời phải được EP thông qua mới có thể trở thành hiện thực.

Tuyên bố của Chủ tịch EP được đưa ra trong bối cảnh tờ Điện tín Chủ nhật đưa tin 95 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ của Anh đã gửi thư lên Thủ tướng David Cameron đòi Quốc hội phủ quyết một số điều khoản trong hiệp ước EU hoặc chính phủ Anh phải sửa đổi các điều luật liên quan đến nhân quyền, thủ tục hành chính và kiểm soát nhập cư.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Thời báo chủ nhật mới đây, Bộ trưởng việc làm và hưu trí Anh Iain Duncan Smith cũng cho rằng cần sửa đổi điều khoản hưởng trợ cấp phúc lợi của người nhập cư theo hướng họ chỉ được hưởng 2 năm nhập cư vào EU thay vì 3 tháng như hiện nay.

Bộ trưởng Smith cho biết ông đã trao đổi vấn đề này với nhiều nước trong EU và nhận được sự ủng hộ của Đức, Italy và Hà Lan.

Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của Chủ tịch EP Schulz đã gần như làm thất bại các nỗ lực của Anh trong việc sửa đổi quy định này.

TTXVN

 
Tin xem nhiều