Trong một tuyên bố chung ngày 9/1, Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Đức cho biết chính phủ nước này đã quyết định chấp thuận đề nghị của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học Liên hợp quốc (OPCW) liên quan đến việc xử lý các chất thải hóa học phát sinh từ quá trình tiêu hủy số vũ khí hóa học của Syria.
Các thanh sát viên lấy mẫu kiểm tra tại Syria. (Nguồn: AP) |
Trong một tuyên bố chung ngày 9/1, Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Đức cho biết chính phủ nước này đã quyết định chấp thuận đề nghị của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học Liên hợp quốc (OPCW) liên quan đến việc xử lý các chất thải hóa học phát sinh từ quá trình tiêu hủy số vũ khí hóa học của Syria.
Theo kế hoạch này, tập đoàn GEKA của Đức sẽ chịu trách nhiệm tiêu hủy các chất thải hóa học nói trên tại lãnh thổ của Đức theo những tiêu chuẩn an toàn khắt khe nhất.
Động thái này được cho là nhằm đẩy nhanh tiến trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, đồng thời thúc đẩy tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông đang chìm trong bất ổn này.
Cùng ngày 9/1, OPCW đã kêu gọi các bên liên quan kế hoạch vận chuyển các nguyên liệu vũ khí hóa học ra khỏi Syria, trong đó có cả Chính phủ Syria, duy trì tiến triển để sớm hoàn tất việc tiêu hủy hơn 1.300 tấn vũ khí hóa học trước thời hạn 30/6 tới.
Trước đó hai ngày, tổ chức trên cho hay 9 container chứa vũ khí hóa học đầu tiên đã được chuyển tới cảng Latakia để xác minh trước khi đưa lên tàu rời Syria đến nơi tiêu hủy.
Trong khi đó, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/1 dẫn lời của Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria cần tiếp tục từng bước tới khi tất cả vũ khí hóa học được tiêu hủy hoàn toàn, đồng thời khẳng định vấn đề Syria chỉ có thể được giải quyết bằng con đường chính trị.
Ông Vương Nghị cho rằng các bên cần nhiều nỗ lực hơn nữa để hội nghị hòa bình Geneva II thành công và "nhiệm vụ cấp thiết nhất là chấm dứt chiến tranh và bạo lực".