Báo Đồng Nai điện tử
En

Bahrain tạm ngừng tiến trình hòa đàm các nhóm đối lập

09:01, 10/01/2014

Chính phủ Bahrain ngày 9/1 đã quyết định hoãn các cuộc đối thoại hòa giải với các nhóm đối lập trong nước, vốn được cho là sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hơn 3 năm qua tại vương quốc vùng Vịnh đồng minh của Mỹ này.

Phát ngôn viên về các cuộc đàm phán Isa Abdul Rahman. (Nguồn: AP)
Phát ngôn viên về các cuộc đàm phán Isa Abdul Rahman. (Nguồn: AP)

Chính phủ Bahrain ngày 9/1 đã quyết định hoãn các cuộc đối thoại hòa giải với các nhóm đối lập trong nước, vốn được cho là sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hơn 3 năm qua tại vương quốc vùng Vịnh đồng minh của Mỹ này.

Hãng thông tấn nhà nước BNA cho biết các đại diện của chính phủ đã đi đến quyết định trên sau khi các thành viên đối lập không tham gia cuộc họp diễn ra tại Manama.

Trước đó, các nhóm này đã tuyên bố tẩy chay đối thoại trong một thời gian dài liên quan đến các vụ bắt giữ Khalil al-Marzouq, lãnh đạo của nhóm đối lập Al-Wefaq, liên quan đến cáo buộc "kích động khủng bố".

Phát ngôn viên về các cuộc đàm phán Isa Abdul Rahman cho biết mặc dù các cuộc gặp đã bị hủy bỏ song các kênh liên lạc vẫn được duy trì và không có nghĩa là các cuộc đối thoại đã chấm dứt. Tuy nhiên, ông Rahman cũng nhận định triển vọng của các vòng đối thoại trong tương lai là rất mờ nhạt.

Các thành viên đại diện cho Chính phủ và Quốc hội Bahrain tham gia tiến trình hòa đàm cho biết sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm đạt được một thỏa hiệp chính trị để ổn định tình hình đất nước, đồng thời đổ lỗi cho "5 liên minh chính trị," đại diện cho các nhóm đối lập, là nguyên nhân dẫn đến thất bại của các vòng đàm phán.

Trong khi đó, ông Marzouq, sau khi được trả tự do, lại cho rằng chính phủ mới là nguyên nhân gây thất bại các vòng đối thoại khi không tin tưởng vào các bên tham gia, đồng thời tuyên bố các nhóm đối lập vẫn sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán với chính phủ.

Các vòng đàm phán được bắt đầu từ tháng Hai năm ngoái như một phần trong nỗ lực đem lại ổn định chính trị sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ của cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Shiite hồi đầu năm 2011 đòi cải cách chính trị và chia sẻ quyền lực.

Cộng đồng chiếm đa số này đã cáo buộc chính phủ do người Sunni thiểu số cầm quyền đã có những chính sách phân biệt đối xử về việc làm, nhà ở và giáo dục.

Tuy nhiên, các cuộc gặp đã không đạt được mục tiêu đề ra khi hai bên không đạt được thỏa hiệp liên quan đến đòi hỏi của phe đối lập nhằm thành lập một nền quân chủ lập hiến và một chính phủ được thành lập thông qua bầu cử nghị viện.

TTXVN

Tin xem nhiều