Ngày 25/1, chính phủ Thái Lan đã tỏ ý chấp nhận hoãn cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/2 tới đây sau khi Tòa án Hiến pháp nước này ra phán quyết rằng cuộc bầu cử gây tranh cãi có thể bị trì hoãn vì bất ổn chính trị.
Ngày 25/1, chính phủ Thái Lan đã tỏ ý chấp nhận hoãn cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/2 tới đây sau khi Tòa án Hiến pháp nước này ra phán quyết rằng cuộc bầu cử gây tranh cãi có thể bị trì hoãn vì bất ổn chính trị.
Phán quyết này làm gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Yingluck Shinawatra sau nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn.
Binh sĩ Thái Lan gác ở Bangkok ngăn ngừa bạo lực trong các cuộc biểu tình (Nguồn: TTXVN) |
Thủ tướng Yingluck vẫn khăng khăng bác bỏ yêu cầu từ chức hoặc trì hoãn cuộc bầu cử sau gần ba tháng xảy ra các cuộc biểu tình trên đường phố nhằm lật đổ chính phủ dân cử của bà và thành lập một "hội đồng nhân dân" không qua bầu cử.
Đảng Dân chủ đối lập chính tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới, trong khi những người biểu tình thề sẽ cản trở cuộc bầu cử này và khẳng định rằng Thái Lan cần tiến hành công cuộc cải cách để giải quyết nạn tham nhũng và mua phiếu bầu trước khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức trong khoảng 1 năm đến 18 tháng tới.
Mặc dù cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 tới có thể bị trì hoãn theo pháp luật, nhưng Tòa án Hiến pháp cho rằng bà Yingluck và Chủ tịch Ủy ban Bầu cử có trách nhiệm chung trong việc đưa ra quyết định này.
Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói: "'Quả bóng' hiện giờ được đẩy về phía sân của bà Yingluck và áp lực buộc phải trì hoãn cuộc bầu cử sẽ đè nặng lên vai bà".
Nhiều người cho rằng cả Tòa án Hiến pháp lẫn Ủy ban Bầu cử đều ủng hộ phe đối lập. Giám đốc Thitinan nói: "Áp lực sẽ đè nặng lên vai bà Yingluck hơn là với Ủy ban Bầu cử, bởi quyết định của Tòa án Hiến pháp dường như nghiêng về hậu thuẫn Ủy ban bầu cử nhiều hơn".
Với việc kêu gọi bầu cử và giải tán Quốc hội theo quy định của pháp luật, bà Yingluck hiện lãnh đạo một chính phủ lâm thời với quyền hành vô cùng hạn chế.
Trước đó, chính phủ đã bác bỏ lời kêu gọi của Ủy ban Bầu cử về việc trì hoãn cuộc tổng tuyển cử và nhấn mạnh rằng theo hiến pháp, một cuộc bầu cử mới phải được tổ chức không quá 60 ngày sau khi Quốc hội giải tán (hồi đầu tháng 12/2013).
Đảng Puea Thai của bà Yingluck cho biết họ vẫn đang xem xét phán quyết của tòa án. Người phát ngôn Prompong Nopparit nói: "Nếu cuộc bầu cử bị trì hoãn, liệu những người biểu tình có chấm dứt hành động của họ? Liệu phe đối lập có tham gia bầu cử sau này hay không?".
Tính đến nay, đã có 9 người chết và hàng trăm người bị thương trong các cuộc tấn công bằng lựu đạn, các vụ nổ súng và đụng độ trên đường phố kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu vào cuối tháng 10/2013.
Ngày 23/1, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đe dọa sẽ "đóng tất cả các ngả đường" dẫn đến các điểm bỏ phiếu và khẳng định rằng cuộc bầu cử sẽ không được phép diễn ra.
Theo kết quả điều tra của Đại học Bangkok mới công bố ngày 24/1, gần 80% trong khoảng 1.000 người được hỏi sẽ đi bầu vào tháng 2 tới.
Tuy nhiên, một số đơn vị bầu cử phía Nam hiện chưa có ứng cử viên bởi những người biểu tình đã phong tỏa các điểm đăng ký, bới vậy nếu đảng của bà Yingluck thắng cử đi chăng nữa, thì có thể họ cũng không có đủ số lượng nghị sỹ để thành lập một chính phủ mới./.
Vietnam+